Khám chữa bệnh từ xa mùa dịch COVID-19: Người dân và bệnh viện được lợi gì?

15-08-2020 10:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khám chữa bệnh từ xa không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp.

Tận dụng chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở

Bộ Y tế đã và đang triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025 với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Khám, chữa bệnh từ xa sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh… và đặc biệt đóng vai trò quan trọng giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

“Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau. Chúng ta ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh. Tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở. Tất cả vì mục tiêu cái gì có lợi cho người dân thì làm”- Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Tới đây, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, thậm chí là ở tại nhà cũng có thể được các bác sĩ của những bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương hội chẩn trực tuyến, được chẩn đoán bệnh từ xa, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân được tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp.

Hàng trăm bệnh nhân ở tuyến dưới được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

 

Là cơ sở y tế tiên phong trong mùa dịch COVID-19, từ tháng 4/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chính thức thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Tại buổi khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đó, sau khi chứng kiến các chuyên gia hội chẩn từ điểm cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dành cho bệnh nhân ở Quảng Xương- Thanh Hoá, ở BVĐK TP Hà Tĩnh và ở BVĐK huyện Mường Khương – Lào Cai thông qua nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, từ điểm cầu Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng các y bác sĩ của các bệnh viện tham gia buổi hội chẩn trực tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến dưới, đã bước đầu thành công trong việc ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh.

 

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào- Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, từ khởi đầu là các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gồm 9 bệnh viện, tuy nhiên sau 2 tuần đầu thành công đã có rất nhiều bênh viện đăng ký tham gia khám chữa bệnh từ xa cùng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

"Sau gần 1 tháng triển khai, với vai trò tiên phong đã có 50 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và đến nay con số này đã lên đến 89 cơ sở y tế, trong đó có cả 2 phòng khám đa khoa của nước bạn Lào và Campuchia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều cơ sở y tế đang có nhu cầu đã gửi thông tin đến chúng tôi để cùng tham gia khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội"- PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho biết

Người bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa bới các chuyên gia đầu ngành về lão khoa, tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tổng số y bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa đến nay gần 100 người, trong đó có hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ các chuyên ngành. Đã có gần 200 ca bệnh được hội chẩn, trong số này có hàng chục ca bệnh nặng  được các chuyên gia đề nghị chuyển viện lên tuyến trên.

"Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có sự chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh từ xa này từ rất sớm. Ngay khi bắt đầu xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh, chúng tôi đều khuyến khích kết nối phần mềm, dữ liệu thống nhất với nhau. Về hình ảnh, kết quả chẩn đoán chúng tôi  đã thường xuyên trao đổi, hội chẩn và đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân"- PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu -Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

“Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Chuyển tải thông tin chuyên môn hữu ích liên quan đến chẩn đoán COVID-19 cho tuyến dưới

Tại chương trình truyền hình trực tuyến khám chữa bệnh từ xa diễn ra chiều ngày 13/8 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, TS Đoàn Tiến Lưu, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, chụp cắp lớp vi tính phổi đã được chứng minh có độ nhạy tới 98% trong chẩn đoán viêm phổi do virus SARS-CoV-2 ngay cả trong giai đoạn sớm (2-3 ngày đầu khởi phát bệnh). Từ đó, giúp bác sĩ điều chỉnh chẩn đoán sớm cho bệnh nhân có chẩn đoán âm tính giả trên xét nghiệm Realtime-PCR, đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiêu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng các chuyên gia và cán bộ của Bệnh viện tại một buổi truyền hình trực tuyến về khám chữa bệnh từ xa trong mùa dịch COVID-19

Theo TS Lưu, hình ảnh X quang, cắt lớp vi tính đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá mức độ tổn thương phổi của người bệnh, đồng thời, theo dõi tiến triển của phổi. Ngay cả khi, người bệnh có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng nếu hình ảnh X quang phổi có dấu hiệu nghi ngờ thì vẫn phải xét nghiệm lại để khẳng định.

Qua thực tế theo dõi, điều trị các ca bệnh mắc COVID-19, các bác sĩ đánh giá, trên hình ảnh X quang phổi cho thấy, bệnh nhân có tổn thương chủ yếu ở ngoại vi (58%), đáy phổi (59%), phần lớn là ở 2 bên phổi (69%). Thông thường, bệnh nhân mắc COVID-19 có 4 giai đoạn tiến triển tổn thương phổi, gồm: giai đoạn sớm (0-4 ngày với hình ảnh kính mờ, lát đá, ít thùy tổn thương); giai đoạn tiến tiển (5-8 ngày với hình ảnh kính mờ, lát đá lan rộng phổi 2 bên); giai đoạn đỉnh bệnh (10-13 ngày, xuất hiện vùng đông đặc ở phổi) và giai đoạn thoái triển (hơn 14 ngày với hình ảnh dải dưới màng phổi, giãn phế quản ngoại vi).

Cũng tại chương trình này, nhiều kiến thức chuyên môn khác liên quan đến chẩn đoán, tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra, vấn đề rối loạn đông máu ở bệnh nhân COVID-19, dự phòng, điều trị và theo dõi đã được các chuyên gia tuyến trên chia sẻ cho tuyến dưới.

PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, cũng cho hay, các chuyên gia của Bệnh viện đã được tăng cường hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 điều trị các ca bệnh COVID-19, trong đó có các bệnh nhân nặng. Hiện, Bệnh viện đang duy trì các buổi hội chẩn, qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa TeleHealth, trong đó có các buổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị ca bệnh COVID-19 với các bác sĩ của các Bệnh viện tham gia kết nối TeleHealth tại Việt Nam và các bác sĩ thuộc 2 phòng khám tại Lào và Campuchia.

Trình độ chuyên môn cùng những kinh nghiệm thực tế của các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho phép cung cấp kiến thức khá đầy đủ, trực quan cho bác sĩ tuyến dưới, để họ có thể chủ động chẩn đoán và có hướng xử lý phù hợp khi có bệnh nhân COVID-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.


Thái Bình
Ý kiến của bạn