Khám chữa bệnh từ xa - Gỡ khó cho bệnh nhân đến viện mùa COVID-19

03-07-2021 21:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhằm thực hiện giãn cách xã hội và đảm bảo các quy định khác trong phòng chống dịch, hơn 1 tuần nay, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai mô hình tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí từ xa.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, người bệnh rất phấn khởi với hình thức khám bệnh từ xa.

PGS.TS.Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc BV Trường Đại học Y Dược Huế cho biết, kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, bệnh viện đã thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế như: giảm số lượng bệnh nhân điều trị nội trú, giảm số người khám ngoại trú.

Tuy nhiên, trước nhu cầu tư vấn - khám chữa bệnh của người dân rất lớn, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí từ xa.

Cụ thể, bệnh viện đã thông báo cho các bệnh nhân từng điều trị về việc tái khám qua tin nhắn SMS để bệnh nhân chủ động liên lạc với các khoa đã nằm điều trị, để chủ động đặt lịch hẹn tái khám.

Ngoài ra, vào thứ 6 hàng tuần, bệnh viện còn tổ chức các buổi livestream trên facebook của bệnh viện, để tư vấn cho cộng đồng về bảo vệ sức khoẻ trong thời kỳ giãn cách phòng chống dịch…

Đặc biệt, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai mô hình tư vấn - khám chữa bệnh miễn phí qua Video Call. Theo đó, bệnh viện đã xây dựng hệ thống tư vấn này qua các ứng dụng gọi video từ bệnh nhân đến bác sĩ phòng khám ngoại trú.

Bệnh nhân chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hoặc máy tính truyền thống vào website hoặc fanpage của Bệnh viện Trường ĐHYD Huế với tên miền “bvydhue.com.vn”, sau đó chọn chuyên khoa cần khám là bệnh nhân có thể giao tiếp với 12 bác sĩ của 12 phòng khám các chuyên ngành như: Ngoại tiêu hóa, Tim mạch, Ngoại thần kinh, Ung bướu, Da liễu, Phụ sản, Nhi khoa, Ngoại chấn thương, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm- Mặt…

Bệnh nhân sau khi chọn chuyên mục tư vấn - khám bệnh thì sẽ gặp trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để trao đổi.

Thông thường, ngày thứ 2 đầu tuần, tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế sẽ có rất đông BN từ các tuyến dưới và ở các tỉnh, thành lân cận đến làm thủ tục chờ khám chữa bệnh. Thế nhưng, trong sáng thứ 2 đầu tuần (ngày 31/5), theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng này không còn.

Bà Huỳnh Thị X. (67 tuổi, trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đang điều trị tăng huyết áp và mỡ trong máu tại gia đình. Tuy nhiên, 2 hôm nay, bà X. bỗng dưng mất ngủ, tim đập nhanh nên rất lo lắng.

Thay vì phải thuê xe ôm đi lại hơn 30 km để đến BV Trường Đại học Y Dược Huế khám bệnh và mất công chờ đợi, thì sáng nay bà X. ngồi ở nhà và được người thân vào trang web của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Trước tiên là chọn chuyên mục tư vấn. Sau đó, người thân bà X. kích chuột vào phòng khám tim mạch. Tại đây, BN X. đã được gặp BS qua màn hình và trình bày về bệnh tình của mình với bác sĩ chuyên khoa.

Sau khi được khám bệnh, bệnh nhân X. được các BS thông báo, trường hợp này chưa thực sự cần thiết đến bệnh viện, mà tiếp tục uống thuốc như đơn bác sĩ đã kê trước đây. Đồng thời, BS yêu cầu BN tiếp tục theo dõi các triệu chứng và nếu sau 1 tuần vẫn thấy lặp lại các triệu chứng như trên, thì gọi điện lại để bác sĩ sắp xếp lịch đến khám trực tiếp.

Cũng như bà X., có rất nhiều bệnh nhân, trong đó có ngùi ở ngoại tỉnh như: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… cũng đã gọi điện đến chuyên mục tư vấn của trang web BVTĐH Y Dược Huế để được tư vấn, khám bệnh.

“Mấy ngày hôm nay em ăn uống không tiêu, bụng lúc nào cũng đau râm râm. Sau khi gọi điện qua màn hình, em đã được một nữ bác sĩ BVTĐH Y Dược Huế khám bệnh và được kết luận là rối loạn nhu động ruột. Sau đó, bác sĩ kê cho em đơn thuốc và em đến một quầy thuốc Tây gần nhà để mua uống”- sinh viên Nguyễn Thanh H. (trú tỉnh Hà Tĩnh) đang theo học tại Huế chia sẻ.

Theo BN Nguyễn Thanh H., do dịch bệnh nên sinh viên được nghỉ học và em về quê gần 1 tháng nay. Nếu không có mô hình khám bệnh miễn phí từ xa, thì em phải bắt xe khách từ nhà vào Huế khám, đến khi quay về cũng mất gần 600 km. Ngoài tốn kém thời gian, chi phí tiền xe, thì đang là mùa dịch, nên việc đi lại gặp càng nhiều khó khăn, nguy hiểm.

“Trong quá trình tư vấn, khám bệnh, em cũng được bác sĩ tư vấn tận tình, nhẹ nhàng nên cảm thấy rất yên tâm”, bệnh nhân H. chia sẻ. Theo ThS.BS. Đoàn Phước Vựng thuộc phòng khám Ngoại Tiêu hóa, việc khám bệnh online tất nhiên không thể bằng khám bệnh trực tiếp. Tuy nhiên nhờ có hình ảnh, bác sĩ thấy được bệnh nhân của mình, nên đã nhanh chóng giúp phân biệt được trường hợp nào cần chuyển đến cấp cứu tuyến trên, hay trường hợp nào cần đến cơ sở y tế gần nhất…

Những ngày qua, mỗi ngày có khoảng gần 50 cuộc gọi Video Call từ bệnh nhân đến các phòng khám của BVTĐH Y Dược Huế.

Bệnh nhân Văn Hữu Q. (40 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị) cho biết, sau phẫu thuật cắt ruột thừa 7 ngày thì khi đi cắt chỉ tại trạm y tế gần nhà, anh thấy vết thương rỉ dịch nên rất lo lắng. Vì vậy, bệnh nhân Q. đã gọi điện đến trang web của BV Trường Đại học Y Dược Huế để được tư vấn.

Sau khi bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa quan sát kỹ vết thương qua Video Call, thì nhận định trường hợp này không cần đến bệnh viện, mà có thể tự chăm sóc tại nhà. Sau đó, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân này mua dung dịch sát khuẩn để làm vết thương, chứ không cần uống thuốc.

“Việc tư vấn- khám chữa bệnh từ xa của BV Trường Đại học Y Dược Huế có ý nghĩa rất lớn đối với những bệnh nhân nghèo như chúng tôi. Nếu không có dịch vụ này, khi đến khám ở BV, dù hộ nghèo đã được hưởng 100% bảo hiểm y tế, nhưng tiền chi phí tàu xe đi lại cộng với tiền ăn ở cũng rất tốn kém. Đó là chưa kể, mỗi bệnh nhân đi phải kèm theo một người nhà nên chi phí tăng gấp đôi”, bệnh nhân Q. trải lòng.

“Dù đưa vào sử dụng hơn 1 tuần, nhưng mô hình tư vấn- khám chữa bệnh từ xa của BV Trường Đại học Y Dược Huế đã tạo được sức lan tỏa trong cộng động. Có thể nói đây là hình thức khám chữa bệnh từ xa đầu tiên trong cả nước mà bệnh nhân đươc trao đổi và thấy trực tiếp bác sĩ khám, điều trị bệnh cho mình. Hình thức tư vấn- khám chữa bệnh từ xa mà BV Trường Đại học Y Dược Huế xây dựng dựa trên tiêu chí: “Đơn giản - Thuận tiện - Chất lượng - Miễn phí” ”, PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, mô hình này được ngành Y tế Thừa Thiên Huế đánh giá, mang lại hiệu quả cao trong mùa dịch và BV Trường Đại học Y Dược Huế cũng lên kế hoạch duy trì hoạt động của mô hình này lâu dài, bền vững, nhằm phục vụ tốt nhất cho sức khỏe, nhu cầu khám chữa bệnh của  người dân.


Hải Lan
Ý kiến của bạn