Ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, Bộ Y tế và các Sở Y tế đã phát triển nhiều phần mềm khám, chữa bệnh từ xa nhằm kết nối trạm y tế xã với bệnh viện tuyến trên để tham vấn, hội chẩn chẩn đoán và điều trị, kết nối trạm y tế xã với người dân trong cộng đồng để cung cấp thông tin y tế, người dân đặt lịch hẹn khám và tư vấn thông qua ứng dụng miễn phí cài đặt trên điện thoại thông minh.
Đến năm 2023, Bộ Y tế thực hiện Quyết định số 823/QĐ-BYT việc Phê duyệt Kế hoạch triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa năm 2023.
Theo đó, Bộ Y tế đã triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Nền tảng VTelehealth), bao gồm chức năng hội thoại truyền hình, chức năng quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và các tính năng hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân qua ứng dụng di động, đồng thời kết nối các thiết bị và hệ thống thông tin tiên tiến để cung cấp các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân.
Nền tảng Vtelehealth sẽ là nơi tích hợp các giải pháp, ứng dụng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc; xây dựng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; cung cấp các khuyến nghị kỹ thuật để triển khai khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đảm bảo cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt và an toàn tại tuyến y tế cơ sở ở Việt Nam...
Các cơ sở y tế đánh giá việc khám, chữa bệnh từ xa đã xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến Trung ương và địa phương. Người bệnh ở vùng sâu, vùng xa đã được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và đưa ra các phương án điều trị ngay tại địa phương. Điều này đã góp phần giảm tải tuyến trên và giúp người dân giảm nhiều chi phí.
Tính đến nay đã có hàng nghìn người bệnh được khám, điều trị, phẫu thuật trực tuyến ngay tại tuyến y tế cơ sở, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, khó. Đồng bộ với việc khám, chữa bệnh từ xa là xây dựng bệnh án điện tử và liên thông kết quả xét nghiệm điều trị giữa các bệnh viện không chỉ giảm các chi phí xét nghiệm mà còn loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết.
Như vậy, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa thật sự mang lại hiệu quả, người dân được chăm sóc sức khỏe và được điều trị kịp thời từ các bác sĩ đầu ngành mà không phải lên trực tiếp tuyến trên.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhu cầu khám, chữa bệnh từ xa ở Việt Nam là cần thiết, nguyên nhân chính là tuy nước ta có hơn 11.000 trạm y tế xã/phường/thị trấn nhưng năng lực chẩn đoán và điều trị tương đối hạn chế. Việc khám, chữa bệnh từ xa sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là trong bối cảnh khó khăn về địa lý đối với việc đi lại, thiên tai và đại dịch.
Hơn nữa, việc lồng ghép khám, chữa bệnh từ xa trong hệ thống y tế sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm yếu thế; giúp tiết kiệm được nguồn lực (chi phí, thời gian, công sức); giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn và quản lý sức khỏe hiệu quả hơn, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới tăng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cũng như sự tin tưởng của người dân với y tế cơ sở; giúp mang lại sự an toàn cho người bệnh cũng như nhân viên y tế, đặc biệt là trong các tình huống có nguy cơ lây nhiễm bệnh...
Tại Hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế nhấn mạnh, cơ sở y tế có thể sử dụng bất kỳ phần mềm nào trong số các phần mềm hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa đã được tích hợp với nền tảng Vtelehealth.
Người bệnh có thể đến khám theo hẹn đã đặt trước qua ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa hoặc tự đến. Cán bộ y tế tại trạm y tế đánh giá tình trạng người bệnh và thực hiện buổi tư vấn khám, chữa bệnh từ xa nếu cần và nếu có sự đồng thuận của người bệnh.
Xem thêm video được quan tâm:
Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nhân hiểm nghèo.