Bệnh viện Nội tiết Trung ương (BVNTTW) được biết đến là một trong những bệnh viện đầu tiên trong cả nước triển khai, thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” của Bộ Y tế. Trong 4 tháng qua, vào chiều thứ 4 hằng tuần, Trung tâm Khám chữa bệnh từ xa (KCBTX) - BVNTTW kết nối với các điểm cầu để hội chẩn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ các y bác sĩ tuyến cơ sở. Theo đó, tính đến nay đã thực hiện thành công 20 buổi hội chẩn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho đội ngũ các y bác sĩ từ các điểm cầu cơ sở.
TS.BS.Phan Hướng Dương - Phó giám đốc BVNTTW cho biết: Chương trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa là hình thức tư vấn cho tuyến dưới về trường hợp bệnh nhân cụ thể nhưng cũng là hình thức hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho tuyến dưới. Đây là một chủ trương rất lớn của Bộ Y tế.
Một buổi tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Nội tiết Trung ương
Chương trình này nhằm mục đích: trực tiếp cùng tuyến dưới hội chẩn khẩn cấp trong những ca bệnh nặng hoặc trong những trường hợp đang điều trị gặp phải vấn đề mà tuyến dưới chưa xử lý được. Như vậy chương trình mang lại rất nhiều lợi ích cùng lúc.
Thứ nhất là người bệnh ở tuyến dưới không cần thiết phải lên tuyến trên mà sẽ được tư vấn trực tuyến qua chương trình khám chữa bệnh từ xa trong những tình huống cụ thể và sẽ được xử lý ngay tại hỗ.
Thứ hai là qua chương trình này sẽ kết hợp đào tạo từ xa cho các đồng nghiệp ở tuyến dưới rất hiệu quả. Thực tế các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến dưới rất khó để cùng một lúc lên được tuyến trên để học các kỹ thuật cao. Nhưng qua chương trình khám chữa bệnh trực tuyến này, qua các chương trình giảng dạy từ tình huống cụ thể, kết hợp với hình ảnh và video… thì bệnh viện tuyến trên sẽ chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm điều trị cũng như giải đáp thắc mắc của đồng nghiệp tuyến dưới.
Thứ ba là chương trình giáo dục từ xa không giới hạn số lượng bác sĩ hoặc bệnh viện tuyến dưới. Cùng một buổi trực tuyến thì hàng chục, hàng trăm đầu cầu có thể tham gia. Đây là một lợi thế rất lớn của đào tạo trực tuyến so với đào tạo trực tiếp. Bởi nếu đào tạo trực tiếp thì chỉ có một nhóm nhân viên y tế tham gia học tập được và cần có kinh phí lớn (chi phí đi lại, ăn ở cho các học viên…).
Thứ tư là với cùng một ca bệnh khó nhưng hàng chục các bệnh viện khác có thể tham gia học hỏi kinh nghiệm. Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn hành nghề của người thầy thuốc cũng như nâng cao công tác khám chữa bệnh của tuyến dưới.
Vì thế, theo TS.Phan Hướng Dương, đây là một chương trình mang lại hiệu quả kép, với chi phí mà lợi ích thu được thì rất lớn.