Trạm Y tế xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được xây dựng và đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 15 năm. Qua thời gian sử dụng gặp nhiều đợt lũ lụt, thiên tai, công trình này xuống cấp nghiêm trọng.
Phần móng của trạm có hiện tượng sụt lún, mái nhà hư hại khiến nhiều phòng chức năng thấm dột những ngày mưa, tường nhà rất nhiều điểm nứt nẻ, bong tróc và rêu phong phủ kín.
Hệ thống cửa cũng xuống cấp, đặc biệt toàn bộ cửa sổ có hiện tượng mục nát, cán bộ của trạm phải dùng dây thép neo cửa, không dám mở vì sợ rơi. Hệ thống điện cũng không tránh khỏi tình trạng hư hỏng.
Cùng với đó, phần tường bao xuống cấp, phần còn lại được rào tạm bằng dây thép gai. Khu vực chứa rác thải y tế được xây dựng tạm bợ chưa đảm bảo an toàn. Không có khu vực nhà để xe, cán bộ, nhân viên trạm và người dân phải chấp nhận để xe dưới nắng mưa.
Phần móng của trạm có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ.
Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay trạm vẫn chưa được sữa chữa, nâng cấp khiến đội ngũ y, bác sĩ và người dân phải thực hiện công tác khám chữa bệnh trong tâm trạng bất an, lo lắng, nhất là mỗi khi mưa, bão về.
"Trạm Y tế xã Thái Thủy được xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng. Móng nhà nứt nẻ, sụt lún, tường nứt, bong tróc, trần nhà thấm dột. Dù vậy nhưng trạm vẫn chưa được sửa chữa hay nâng cấp gì. Tình trạng hư hại của trạm khiến cán bộ và nhân viên làm việc trong lo sợ", BS. Phạm Vương Thành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ.
Toàn bộ cửa sổ đã có hiện tượng mục nát, cán bộ của trạm phải dùng dây thép neo cửa, không dám mở vì sợ rơi.
BS. Thành thông tin thêm, xã Thái Thủy là địa phương vùng trung du, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Trạm thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị ban đầu cho khoảng 6.400 nhân khẩu. Là địa bàn xa với vùng trung tâm huyện và các cơ sở y tế, nên lượng bệnh nhân đến trạm khá cao so với một số đơn vị cùng tuyến. Trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 2.000 lượt khám tại trạm, dự kiến thời điểm dịch bệnh theo mùa và mưa bão, lượng khám, điều trị sẽ tăng cao.
Thực trạng xuống cấp về cơ sở vật chất khiến công tác khám, chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Ngày mưa, cán bộ nhân viên trạm ngoài việc tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân còn phải lo di chuyển thuốc, máy móc, tài liệu tránh tình trạng hư hại do thấm dột. Ngày nắng, do hệ thống điện bị hư hại một phần, nhiều phòng chức năng không có điện nên cán bộ y tế phải gộp phòng để sử dụng quạt chống nóng.
Tường nứt nẻ, thấm dột, rong rêu phủ đầy.
Không chỉ cán bộ y tế, người dân Thái Thủy cũng không khỏi bất an, lo lắng khi đến thăm khám tại trạm y tế của xã. Họ lo sợ các tình huống nguy hiểm có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.
"Nhìn trạm nứt nẻ, sụt lún người dân đến khám bệnh rất bất an. Vào mùa mưa bão sợ mái tôn bị cuốn, nguy cơ sập tường trạm hiện hữu. Không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn không cho phương án xây dựng lại trạm để đảm bảo an toàn cho cán bộ và người dân", chị Trần Thị Kim Luân, trú tại thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy cho biết.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Trạm Y tế Thái Thủy đề xuất, kiến nghị tới chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để sớm có giải pháp. "Các đoàn của tỉnh, huyện cũng tới kiểm tra và nhận định trạm xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được sửa chữa, nâng cấp. Nhưng đến nay không thấy đơn vị nào về xử lý. Chúng tôi mong muốn các đơn vị sớm xem xét, để không còn bất an mỗi khi làm việc như bây giờ", Trạm trưởng Trạm Y tế Thái Thủy nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần có ý kiến, làm tờ trình tới các đơn vị chức năng để bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp trạm y tế.
"Việc sửa chữa, nâng cấp trạm y tế là rất cần thiết vì đang phục vụ trực tiếp cho hàng ngàn người dân. Xã nhiều lần làm tờ trình, đề xuất lên các cấp, các ngành để xin phương án nâng cấp, sửa chữa và xây dựng thêm phòng chức năng. Đơn vị còn nhiều khó khăn nên kinh phí hạn hẹp, nhờ vận động người dân nên trước đó có xây dựng được một phần nhỏ khuôn viên. Còn kinh phí sửa chữa, nâng cấp phần còn lại rất lớn nên cần nguồn từ trên phân bổ về", Chủ tịch xã Thái Thủy cho biết.
Video: Thấp thỏm khám và chữa bệnh khi trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng.