Hà Nội

Khám chữa bệnh ở Việt Nam: Tại sao không?

03-10-2014 07:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đó là câu trả lời hóm hỉnh của anh J.Philipp người Đức làm chúng tôi không khỏi bất ngờ khi khảo sát chuyên đề “Các bệnh viện Việt Nam trong con mắt người nước ngoài” ở TP. Hồ Chí Minh.

Đó là câu trả lời hóm hỉnh của anh J.Philipp người Đức làm chúng tôi không khỏi bất ngờ khi khảo sát chuyên đề “Các bệnh viện Việt Nam trong con mắt người nước ngoài” ở TP. Hồ Chí Minh. Cũng như anh, hàng trăm nghìn người nước ngoài đến các bệnh viện lớn khám chữa bệnh mỗi năm đã tạo thành xu hướng tích cực chứng minh chất lượng dịch vụ y tế ở nước ta đang từng ngày khởi sắc.

Nhiều tín hiệu vui

Anh J.Philipp hiện đang công tác cho một tổ chức nhân đạo quốc tế tại Việt Nam. Anh rất quan tâm đến sức khỏe nên thường xuyên đi khám định kỳ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và tỏ ra rất hài lòng về chất lượng y tế của bệnh viện này. Không chỉ J.Philipp, chúng tôi nhận thấy ở các cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố, ngoài những bệnh nhân người Việt thì số lượng người ngoại quốc đến khám chữa bệnh cũng rất đông, nhiều khi chật kín cả hành lang.

Một bệnh nhân nước ngoài đến khám tại Bệnh viện Sư Vạn Hạnh.

Khám mắt cho một bệnh nhân nước ngoài tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, TP HCM.

So với cả nước, TP.HCM là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nước ngoài nhất. Theo thống kê, chỉ riêng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong năm 2013 đã điều trị ngoại trú cho hơn 17.000 lượt và nội trú gần 1.000 lượt bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó đông nhất là người Campuchia, rồi đến các nước lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan và cả người châu Âu, châu Mỹ... Thật ấn tượng bởi số lượng này tăng lên khoảng 10% mỗi năm. Cả nước hàng năm có khoảng 100.000 người nước ngoài sang Việt Nam khám chữa bệnh và doanh thu từ nguồn lợi này ước tính hơn 1 tỷ USD.  Lý giải về hiện tượng này, trong buổi họp báo bên thềm Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đây là hiện tượng đáng mừng đối với ngành y tế bởi bấy lâu nay chỉ có người Việt ra nước ngoài khám bệnh thì bây giờ người nước ngoài lại đổ vào Việt Nam khám bệnh. Hy vọng rằng trong tương lai, việc khám bệnh bằng hình thức du lịch thu hút bạn bè quốc tế vào nước ta sẽ còn khả thi hơn nữa”. Trước các câu hỏi của phóng viên, ông Long cũng cho rằng, Bộ Y tế đã có kế hoạch rất cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, diện bao phủ của bảo hiểm y tế, đầu tư cho những trung tâm khám chữa bệnh chuyên sâu. Do đó, ngành y tế cũng rất cởi mở chào đón tất cả các y bác sĩ, nhà nghiên cứu nước ngoài có kinh nghiệm, trình độ trong các lĩnh vực chuyên biệt đến Việt Nam công tác.

Theo đánh giá khách quan của nhiều chuyên gia, người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam là hiện tượng đáng mừng bởi nó chứng minh dịch vụ y tế của nước ta ngày càng nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Cần phải thấy rằng, hầu hết các bệnh nhân ở nước khác đến điều trị nội trú đều mắc những chứng bệnh nan y khó chữa. Nhưng sau một thời gian điều trị, các bác sĩ Việt Nam đã mang lại nụ cười cho họ bởi các triệu chứng bệnh lý đã giảm hẳn hoặc chữa khỏi hoàn toàn. Niềm vui đó đến với ông Hư Phôm từ Campuchia sang trong tình trạng liệt nửa người. Bệnh nguy kịch đến nỗi ông luôn ở trong trạng thái lơ mơ, mất dần ý thức. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não nên tiến hành điều trị ngay. Chỉ sau 3 tháng, ông Hư Phôm đã đứng lên và đi lại bình thường. Ông phấn khích thổ lộ tâm trạng: “Tôi thấy vui vì mình đã khỏe lại. Cảm ơn các bác sĩ Việt Nam, tôi yêu các bạn rất nhiều”. Ngoài ra còn nhiều người bệnh nước ngoài khác đang được cứu khỏi lưỡi hái tử thần bằng tài năng và y đức của các bác sĩ người Việt.

Robert David - bệnh nhân người Úc gửi tâm thư cho các bác sĩ khi điều trị thành công ở Việt Nam. Ảnh: Phượng Vũ

Nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức

Người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam không những đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách quốc gia mà còn tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực tác động đến sự phát triển của ngành y và xã hội. Chúng ta có thể triển khai các hình thức du lịch phối hợp khám chữa bệnh, nâng cao những phương pháp trị liệu chuyên sâu, thu hút những y, bác sĩ giỏi đang nghiên cứu học tập ở nước ngoài về nước làm việc... và trước tiên, thay đổi được tâm lý của nhiều người khi muốn ra nước ngoài khám bệnh. Sở dĩ, nhiều người Việt không tiếc tiền ra nước ngoài chữa bệnh cũng do thiếu niềm tin vào các bệnh viện trong nước. Vì vậy, dù giữ chân người bệnh trong nước hay thu hút những bệnh nhân nước ngoài thì ngành y tế nước nhà vẫn phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như trình độ chuyên môn của các y, bác sĩ.

Đơn cử như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đầu tư hẳn một tòa nhà khám chữa bệnh nội trú tiêu chuẩn cao, cùng nhiều trang thiết bị máy móc tối tân cho đối tượng khách quốc tế. Bác sĩ Trương Quang Bình - Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ, chúng tôi đã triển khai chiến lược tốt nhất phục vụ đối tượng bệnh nhân nước ngoài như cải cách thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận cho đến khi thanh toán viện phí, tất cả các thủ tục khám bệnh đều giảm, ưu tiên thực hiện các chỉ định cận lâm sàng và mua thuốc... Hàng ngày có 15 - 20 phiên dịch viên luôn sao sát, hướng dẫn du khách bằng tiếng Campuchia và tiếng Anh. Ông còn cho rằng, việc đầu tư vào con người là việc làm quan trọng nhất, bảo đảm tính bền vững lâu dài. Một khi chuyên môn đảm bảo thì việc nâng tầm chất lượng y tế chỉ là chuyện một sớm, một chiều.

Còn bà Nguyễn Lệ Thu, Giám đốc đối ngoại và tiếp thị Bệnh viện FV ở TP.HCM lại cho rằng, ngoài tinh giản các thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao tay nghề đối với cán bộ y, bác sĩ ra thì các bệnh viện cần phải có chính sách đãi ngộ với bệnh nhân nước ngoài sao cho hợp lý, như miễn phí các dịch vụ vận chuyển, ăn ở, giặt giũ quần áo... Đặc biệt, ưu tiên sử dụng thẻ BHYT trong và ngoài nước cũng là một trong những biện pháp thu hút khách quốc tế đến nhiều hơn nữa.

Không chỉ là... “hiện tượng”

Mặc dù, bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị tại nước ta trong mấy năm gần đây ngày một tăng nhưng đó mới chỉ là “hiện tượng” tích cực mang tính bề nổi. Chúng ta phải có những quy hoạch mang tính đồng bộ tạo nền móng vững chắc cho ngành y tế Việt Nam không ngừng vươn xa. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ có những chiến lược phát triển lâu dài, đầu tư chiều sâu về nhân lực cũng như vật lực. Đây là tiền đề vững chắc cho Việt Nam trở thành một địa chỉ tin cậy với các bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới.

Các bệnh viện không ngừng đầu tư kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.             Ảnh: TM

Còn theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) công bố, nhiều kỹ thuật y khoa ở Việt Nam đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi... Thậm chí đã giảng dạy, đào tạo các kỹ thuật y khoa cho các bác sĩ nước ngoài. Một thành tựu khác nữa là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được xem là dẫn đầu trong các lĩnh vực y khoa thu hút các đôi vợ chồng ngoại quốc sang Việt Nam “tìm con”. Để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này, chúng tôi tìm đến GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. HCM, được biết, Việt Nam đang thực hiện kỹ thuật này nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị vô sinh trên thế giới.

Điều này chứng tỏ nếu biết phát huy thế mạnh của mình, chúng ta có thể hoàn toàn tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực y khoa mang tính mũi nhọn. Việc bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh sẽ không còn là “hiện tượng” nếu chúng ta biết hút khách bằng y thuật và chất lượng dịch vụ y tế hiện đại. Bằng chứng là các cơ sở y tế TP.HCM tăng đều du khách đến chữa bệnh hàng năm. Chẳng thế mà ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM dõng dạc nói, các kỹ thuật y khoa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không thua kém các nước.

Hồng Hà

 


Ý kiến của bạn