Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân ở TP.HCM: Cần đồng bộ để đem lại hiệu quả

13-04-2022 17:52 | Y tế
google news

SKĐS - Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, đồng loạt các bệnh viện ở TP.HCM triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip tích hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế.

Sau hơn một tháng tích hợp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) lên căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã bắt đầu triển khai rộng rãi để tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh, cải cách hành chính theo hướng hiện đại hoá. Tuy nhiên, việc khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip chưa thật sự thông suốt, cần phải sớm được tháo gỡ để đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Giảm bớt phiền hà

Đã thành lệ, cứ đến ngày mùng 10 hàng tháng, chị Nguyễn Linh Chi, nhà ở phường 22, quận Bình Thạnh TP.HCM lại đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Chị Chi bị bệnh suy thận, trước đây, khi đi khám bệnh chị luôn phải mang theo thẻ BHYT, sổ khám bệnh và xuất trình CMND cũ để bệnh viện kiểm tra lại thông tin và nhận diện ảnh. Trong đó, có nhiều lần chị quên thẻ BHYT và phải quay về lấy, nhưng lần này, chị Chi chỉ cần đưa CCCD có gắn chíp cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh. Thay vì mất 5 phút để đối chiếu và nhập tay các thông tin cá nhân, nay chị chỉ đưa CCCD cho nhân viên y tế quét tầm 1 phút là xong, giảm nguy cơ lây nhiễm trong điều kiện dịch bệnh.

"Tôi thấy việc sử dụng CCCD khi khám chữa, bệnh rất là tiện lợi cho người dân. Tôi chỉ việc khai báo ở chỗ quầy nhân viên phát số cho mình, sau đó tới đây thì cô nhân viên nói là chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chip này thôi, không cần thẻ bảo hiểm y tế nữa. Bệnh nhân đông đúc, việc áp dụng tích hợp như thế này tôi không phải chờ lâu", chị Chi vui mừng nói.

Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân ở TP.HCM cần đồng bộ để đem lại hiệu quả - Ảnh 1.

Người bệnh đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip thay cho bảo hiểm y tế bằng giấy.

Được biết, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện việc này từ ngày 8/3, mang lại nhiều tiện ích cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú. Việc triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT đem lại nhiều tiện ích cho người dân vì tiết kiệm được thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn...

Bên cạnh việc giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực khám chữa bệnh, việc tích hợp này giúp cơ sở y tế xác định được bệnh sử của người bệnh, các lần đi khám trước đó sẽ lưu lại thông tin trên máy, như là một hồ sơ bệnh án điện tử thu nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: "Đối với người dân khi đi khám bệnh mà quên thẻ BHYT bằng giấy thì người khám có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp và toàn bộ thông tin có trong thẻ này rất tiện lợi cho bệnh nhân. Bệnh nhân không phải mang theo nhiều thứ như giấy chứng minh thư nhân dân bình thường, các loại giấy xác nhận, thẻ bảo hiểm y tế... để giảm phiền hà.

Riêng đối với nhân viên y tế khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp rất thuận lợi. Khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp sẽ xác định đúng bệnh nhân và toàn bộ thông tin của bệnh nhân, quá trình bệnh sử đã có trong chương trình của bệnh viện. Theo đó, tiếp nhận nhanh, chính xác được người bệnh là ai".

Khám chữa bệnh bằng căn cước công dân ở TP.HCM cần đồng bộ để đem lại hiệu quả - Ảnh 2.

Nhiều người dân đã được tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế trong căn cước công dân có gắn chíp.

Còn chưa đồng bộ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, có một số thẻ CCCD gắn chíp chưa tích hợp được thông tin BHYT nên không hiển thị.

Cũng như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Quận 11 là một trong những đơn vị được chọn thí điểm triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân - Phó Giám đốc bệnh viện Quận 11 cho biết, có những trường hợp khi quét mã QR code trên CCCD thì máy không nhận diện nên không hiển thị thông tin của bệnh nhân. Lúc này, nhân viên phải nhập "thủ công" số CCCD lên thì mọi thông tin khám, chữa bệnh mới hiện ra màn hình.

Theo bác sĩ Vân, bệnh viện còn gặp khó khăn là từ trước đến nay, khi thực hiện khám bằng thẻ BHYT thì sau khi nhập dữ liệu xong cho bệnh nhân, nhân viên y tế vẫn giữ thẻ BHYT, người bệnh khám xong, quay lại sẽ được phát thuốc cùng thẻ BHYT. Thế nhưng hiện nay, sau khi quét mã QR Code xong thì không được giữ thẻ CCCD của bệnh nhân, dẫn đến có những thất thoát về chi phí khám chữa bệnh:

"Có một số trường hợp khám xong rồi thì qua quá trình kiểm tra làm cận lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh xong thì người khám bệnh nhìn trên kết quả mà không bị bệnh lý gì thì họ đi về luôn. Họ không quay lại để đóng tiền đồng chi trả, đồng nghĩa với việc bệnh viện mất khoản tiền đó. Bệnh viện cũng đang nghiên cứu xem phương án như thế nào".

Về việc các trường hợp bệnh nhân đưa thẻ CCCD có chip nhưng quét mã QR code không được, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ mới đồng bộ được cho 35 triệu người có thẻ BHYT có CCCD gắn chip và đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu. Vì vậy có một số người có CCCD gắp chip vẫn phải khám bằng thẻ BHYT hoặc tiện ích trên VssID (Bảo hiểm xã hội số). Cơ quan BHXH đã có văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu người dân vẫn cần mang thẻ BHYT và cả CCCD.

Cũng theo bà Hằng, ngoài nguyên nhân do quá trình thí điểm đồng bộ dữ liệu BHXH với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, còn có nguyên nhân là thẻ CCCD có chíp làm bằng chất liệu nhựa có độ bền cao, có thể bị trầy xước ở vị trí QR code dẫn đến quét không được, nên bệnh viện phải nhập bằng tay.

"Lỗi thứ hai nữa là đầu đọc máy quét mã QR Code sử dụng lâu ngày bị mờ, quét không được mã vạch trên thẻ. Vừa rồi BHXH cũng ghi nhận những vướng mắc trên địa bàn thành phố, có những kiến nghị cơ sở khám chữa bệnh trang bị đầu đọc máy quét tốt, chất lượng. Đề nghị người dân sử dụng CCCD có gắn chíp phải bảo quản cẩn thận, nhất là chỗ có gắn chíp, để tránh bị trầy xước", bà Nguyễn Thị Thu Hằng nói.

Cũng theo bà Hằng, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện, vì vậy, người bệnh lưu ý khi đi khám chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID. Trường hợp người bệnh khám BHYT đã thực hiện được việc khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip trước đó thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp.

Bộ Y tế: Thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp Bộ Y tế: Thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp

SKĐS - Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID


Kim Vân
Ý kiến của bạn