Ngày 17 và 18/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với y tế cơ sở tiến hành thăm khám, cấp phát thuốc cho khoảng 600 người dân có vấn đề về da tại xã Tân Hương (huyện Yên Bình, Yên Bái) và xã Đan Phượng, xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã trao tặng một số trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như máy tạo oxy, máy đo SpO2, máy tính... do những thiết bị này đã bị hỏng hóc trong bão lũ không thể khắc phục được.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau bão lũ, tại một số tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Phú Thọ xuất hiện nhiều bệnh lý về da ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Từ thực tế này, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phối hợp với các tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ để khảo sát tình hình bệnh da tại địa phương, sau đó lên kế hoạch thăm khám, tư vấn sức khỏe kịp thời cho bà con.
"Qua khảo sát cho thấy, người dân sau bão lũ có các bệnh nhiễm trùng cấp tính như chốc, chàm, tổn thương xây xước da… Bên cạnh đó là các bệnh lý liên quan đến tiếp xúc môi trường sau mưa lũ với các chất hoặc vật liệu gây kích ứng, sử dụng nguồn nước ô nhiễm làm bệnh da bùng phát hoặc gây ra các phản ứng viêm da tiếp xúc" – PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bệnh lý da nhiễm trùng ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến người dân tại thời điểm đó thì cũng có thể gây ra những ảnh hưởng về sau như viêm loét da bàn tay, bàn chân kéo dài, cản trở sinh hoạt của người dân sau mưa lũ.
Thực tế có nhiều người dân đã mắc bệnh lý về da không có điều kiện lên tuyến trên để khám bệnh. Vì vậy, việc thăm khám, tư vấn và cấp phát thuốc tại địa phương có ý nghĩa chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân, hạn chế các biến chứng của bệnh.
Dự báo trong thời gian tới còn có các đợt mưa kéo dài, PGS. Doanh khuyến cáo người dân cần tăng cường công tác phòng chống bệnh trong mưa lũ, trong đó có các bệnh về da. Cần bố trí đủ nước sạch, chuẩn bị đồ dùng cá nhân, quần áo để đảm bảo vấn đề vệ sinh. Chuẩn bị sẵn một số loại thuốc sát trùng, sát khuẩn, thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc mỡ kháng sinh và bông băng gạc… để phòng trường hợp xây xước chân tay hoặc gặp phải những chấn thương trong mưa lũ thì có thể sơ cứu ngay.
Hiện nay, một số bà con áp dụng phương pháp dân gian dùng lá cây hoặc các loại thuốc nam để ngâm rửa chân tay. Chuyên gia da liễu cho rằng việc này ngoài một số phản ứng có lợi nếu sử dụng các loại lá đảm bảo sạch và được y tế xã khuyến cáo trong trường hợp cần thiết thì đôi khi cũng có những phản ứng có hại khi đắp trực tiếp vào vùng da tổn thương, có thể gây kích ứng, loét da, phản ứng dị ứng, chàm tại chỗ… Do đó, người dân cần thận trọng, nên tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của y tế xã trước khi sử dụng.
Một số hình ảnh ghi nhận trong buổi khám bệnh miễn phí tại xã Tân Hương (huyện Yên Bình, Yên Bái):
ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: "Người dân khi tiếp xúc nhiều với nước và ngâm mình quá lâu trong nước lũ thì tình trạng viêm da cơ địa phát triển, một số bệnh lý có tính chất lây truyền khác như ghẻ, nấm... Chúng tôi đã dự trù số thuốc điều trị bệnh lý này để phát cho bà con, đồng thời khuyến cáo bà con không tự điều trị làm bệnh lây lan, dễ tạo thành dịch nhỏ trong cộng đồng".
Đông đảo người dân có mặt từ sớm để được bác sĩ tuyến trung ương khám bệnh.
Theo ông Tạ Minh Nhất - Chủ tịch UBND xã Tân Hương, với 1.900 hộ dân và gần 8.000 người, xã Tân Hương là một trong những xã rộng nhất của huyện Yên Bình. Tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã chiếm 59,7%, chủ yếu là dân tộc Dao... Do đặc thù về địa lý, phong tục tập quán và điều kiện kinh tế nên việc tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế.