Khai xuân bằng lễ hội Tịch điền

05-02-2010 08:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Được phục dựng và tổ chức thử nghiệm từ năm 2009 tại cánh đồng Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), nhưng năm 2010,

Được phục dựng và tổ chức thử nghiệm từ năm 2009 tại cánh đồng Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam), nhưng năm 2010, lễ hội Tịch điền lần thứ nhất mới diễn ra chính thức tại vùng đất này và từ đây sẽ trở thành lễ hội thường niên.

Núi Đọi, sông Châu là biểu tượng của vùng đất Hà Nam. Tương truyền vào năm 987, vua Lê Hoàn đã cho tổ chức nghi lễ này để răn dạy muôn dân: chăm lo cày cấy sẽ được nhiều vàng bạc. Nhưng những sử liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi về những nghi lễ này rất ít, vì thế mà lễ hội Tịch điền có nhiều khó khăn trong việc phục dựng. UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật đã cùng nghiên cứu phục dựng trên cơ sở bảo tồn và phát triển, tạo sự cân bằng giữa yếu tố truyền thống và đương đại. Sự thành công của lễ hội Tịch điền 2009 và dư âm của nó đối với đồng bào trong nước và ngoài nước đã là cơ sở để UBND tỉnh quyết định từ 2010, lễ hội Tịch điền sẽ tổ chức qui mô cấp tỉnh và sẽ nâng dần thành lễ hội tầm cỡ quốc gia.

 Lễ cày Tịch điền thử nghiệm.

Lễ hội Tịch điền đầu xuân là sự biểu hiện tín ngưỡng phồn thực đối với cư dân trồng lúa nước. Đây là nghi thức tái hiện cuộc giao hoan giữa trời và đất, từ cuộc hôn phối này, vạn vật mới sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, dân no nước thịnh. Ngày trước, đích thân nhà vua cầm cày rạch luống cày đầu tiên trên một thửa ruộng để cầu mong mọi sự được may mắn.

Chính thức tổ chức lễ hội Tịch điền năm 2010 cũng là hợp với ý Đảng lòng dân khi mà năm 2010, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 7 của Trung ương về tam nông: nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Hơn nữa, việc tổ chức trên vùng đất Duy Tiên ngoài việc là nơi xuất phát của sự tích thì tỉnh Hà Nam hiện nay đang là tỉnh thuần nông. 90% thu nhập của người dân từ nghề nông. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2009 đạt hơn 900 tỷ đồng cũng từ nghề nông là chính.

Lễ hội Tịch điền sẽ diễn ra từ 5 - 7 Tết Canh Dần (18 - 20/2/2010). Về cơ bản, lễ hội vẫn giữ nguyên như năm 2009: lễ cáo yết xin Thành hoàng cho mở lễ hội tại đình Đọi Tam; lễ rước nước lên chùa Đọi; lễ Sái tịnh; lễ rước kiệu đón vua về sân lễ Tịch điền. Riêng lễ Cầu an trên chùa Đọi sẽ tổ chức vào tối mùng 6 Tết (thay vì mùng 7 Tết) nhằm đỡ khó khăn cho du khách đường xa phải ở lại. Lễ hội năm nay sẽ không có thả đèn trời theo qui định của Chính phủ. Theo thông tin từ Ban tổ chức, lãnh đạo một số ban ngành Trung ương sẽ về dự lễ trồng cây ở Khu công nghiệp Đồng Văn 2 và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham gia lễ cày tịch điền, khai mở đường cày đầu xuân.

Hội thi vẽ và trang trí trâu diễn ra cả ngày 6/1 âm lịch có lẽ sẽ thu hút được sự chú ý của đông đảo người xem. 30 con trâu béo tốt sẽ được lựa chọn cho hội thi. Năm nay, ngoài các họa sĩ của tỉnh Hà Nam còn có các họa sĩ của Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, các họa sĩ nước ngoài đang sống tại Việt Nam tham gia. Nhằm nhân rộng và quảng bá lễ hội ra nước ngoài, Ban tổ chức còn mời cả các họa sĩ Philippine, Malaixia, Indonexia, Thái Lan. 9 con trâu đẹp nhất sẽ được chọn tham gia lễ cày tịch điền. Riêng con trâu được Chủ tịch nước dùng trong lễ Tịch điền sẽ không trang trí mà chỉ phủ vải lên lưng trâu theo truyền thống. Chủ tịch nước sẽ cày 3 sá đầu tiên và có 2 cô gái đi theo rắc hạt giống. Sau đó sẽ là lễ cày tịch điền của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và của dân làng.

Với mục đích chuyển tải được ý nghĩa của lễ hội là khai xuân, cầu mùa màng tốt tươi và nâng cao vị trí của người nông dân trong đời sống nông nghiệp nên Ban tổ chức chú trọng làm sao để trang phục trong lễ Tịch điền phải toát lên được sự giản dị đúng với bản chất của người nông dân. Năm nay, để thu hút sự tham dự của người dân, hoạt động lễ hội rất phong phú: giải vật võ truyền thống, liên hoan múa rồng lân, các trò chơi dân gian...

Với một đất nước đang phát triển, vai trò của nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, việc phục dựng và tổ chức lễ Tịch điền thành lễ hội truyền thống là phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người nông dân.

Lan Hương


Ý kiến của bạn