Nhiều năm qua, hình ảnh những chiếc thuyền rồng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân và du khách khi tới với mảnh đất Cố đô Huế. Tuy nhiên, tới đây những chiếc thuyền rồng này sẽ không còn hoạt động nữa, thay vào đó sẽ là những chiếc thuyền được thiết kế mới hoàn toàn.
Theo Nghị định của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa và phương tiện thủy nội địa được phép nhập khẩu, các thuyền rồng trên sông Hương chỉ có niên hạn sử dụng 30 năm. Thống kê trên sông Hương có khoảng 130 chiếc bao gồm cả thuyền đôi và thuyền đơn. Trong năm 2022 đã có có 10 chiếc dừng hoạt động và từ nay đến năm 2025, số thuyền rồng còn lại sẽ hết niên hạn và rơi vào cảnh tương tự.
Trò chuyện cùng phóng viên, ông Trần Ngọc Nô (SN 1969) – chủ một chiếc thuyền rồng hoạt động gần 30 năm nay cho biết: "Đến cuối năm nay, chiếc thuyền của tôi sẽ hết niên hạn và phải dừng hoạt động. Đó là cả một gia sản mà vợ chồng tôi phải chắt chiu, vay mượn để đóng và làm phương tiện mưu sinh bấy lâu nay.
Thuyền của tôi được đóng bằng nhôm chỉ hoạt động trên sông Hương nên đến giờ vẫn rất bền. Hàng năm tôi vẫn thường xuyên kiểm tra, tu sửa thường xuyên để hoạt động. Mong cơ quan chức năng đánh giá lại tất cả các thuyền rồng, chiếc nào bảo đảm an toàn nên cho gia cố thêm để tiếp tục được chở khách".
Bà Nguyễn Thị Tám - vợ ông Nô nói: "Các chủ thuyền rồng ở đây gần như gắn bó cả cuộc đời với sông nước và quá quen với công việc chở khách du lịch trên sông Hương. Bây giờ nói thuyền hết niên hạn phải dừng hoạt động, muốn tiếp tục phải đóng thuyền mới với mẫu mã, giá thành cao hơn thì chúng tôi không đủ khả năng để làm. Trong khi đó giờ mà lên bờ thì biết làm gì đây".
Chiếc thuyền rồng là gia sản với gia đình ông Nô và nhiều chủ phương tiện khác khi giúp họ mưu sinh, trang trải cuộc sống.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, gốc gác các thuyền rồng này ngày xưa là các thuyền khai thác cát sạn, sau đó tiến hành hoán cải thêm chứ cũng không phải được thiết kế một cách bài bản theo các tiêu chuẩn của đăng kiểm.
"Các chủ thuyền có rất nhiều kiến nghị, trong đó là việc đề nghị xem xét đặc thù. Tuy nhiên, theo tôi các quy định về niên hạn cũng là vì để đảm bảo an toàn cho hành khách", ông Thành nói.
Ông Thành cho biết thêm: "Thuyền đến hạn giải bản thì thanh lý, nếu chủ thuyền không có điều kiện đóng thuyền mới thì nên xem xét chuyển nghề khác. Quan điểm của Sở Giao thông vận tải là chắc chắn các thuyền đến hạn thì không có cách gì để tạo cơ chế để tiếp tục gia hạn hoạt động. Sở cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn tới các chủ thuyền. Nếu ai có nhu cầu đóng mới thuyền theo mẫu của tỉnh đã duyệt thì thuê thiết kế. Còn nếu muốn hình thành mẫu mới, thì mẫu đó phải báo để xem xét, xét duyệt. Vấn đề này cũng không phải bây giờ mới đặt ra, các chủ thuyền cũng biết rất rõ việc đến ngày nào họ phải hạ bản. Cũng có một lộ trình rất dài để chuẩn bị, nhưng thực sự mà nói không có cách nào để hỗ trợ".
"Nhiều chủ thuyền rất đáng thương, thậm chí họ không biết chữ. Nhưng quy định của pháp luật thì phải chấp hành vì tất cả cũng chỉ để đảm bảo an toàn cho hành khách khi tham gia các dịch vụ du lịch trên sông. Cá nhân tôi cho rằng, một chiếc thuyền như vậy cho tồn tại hoạt động 30 năm thì cũng đã đến lúc phải thay thế bằng các thuyền mới có dịch vụ tốt hơn. Cũng mong các chủ thuyền thông cảm, vì cái chung và vì sự phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh", ông Thành nói.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thời tiết tháng 6 dự kiến có nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao hơn trung bình các năm