Chiều 8/7, Sở Y tế Nghệ An phối hợp với bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam tổ chức lễ khánh thành và khai trương đơn nguyên chạy thận nhân tạo trực thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện.
Sau gần hai năm chuẩn bị đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song với sự cố gắng nỗ lực, sự giúp đỡ về chuyên môn của Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cũng như sự giúp đỡ, tài trợ của Tập đoàn Sungroup, Bệnh viên Đa khoa khu vực Tây Nam đã khai trương và đưa vào hoạt động đơn nguyên thận nhân tạo.
Đơn nguyên chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam được trang bị 10 máy chạy thận. Trước thời điểm khai trương đã có 60 bệnh nhân thường trú trên các địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn đăng ký điều trị tại đây.
Bệnh nhân Bùi Thị Tơi (SN1964, trú bản Thành Nam, xã Bồng Khê, Con Cuông, Nghệ An) có tiền sử chạy thận nhân tạo chu kỳ IV hơn 1 năm nay tại các bệnh viện ở TP Vinh, Nghệ An, nay được chuyển về chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam tâm sự: Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. Khi biết tin có đơn vị chạy thận gần nhà, tôi rất mừng vì tiết kiệm được rất nhiều, từ việc thuê trọ, đi lại, ăn ở.
TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch hội lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, họ phải điều trị suốt cuộc đời. Việc đưa chạy thận nhân tạo về tuyến huyện sẽ tạo điều kiện cho người bệnh được chữa trị ngay chính trên quê hương, không những giảm chi phí cho Nhà nước mà còn giảm chi phí cho chính người bệnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Hoàng Sỹ Kiện - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông bày tỏ mong nhận được sự quan tâm của ngành y tế tỉnh nhà, tạo điều kiện cho bệnh nhân trên địa bàn tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết, việc đưa đơn nguyên thận nhân tạo đi vào hoạt động là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Sở Y tế, và sự nỗ lực phấn đấu của đơn vị trong việc đưa các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đến với người dân các huyện miền núi, vùng cao, nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn .
"Đây là một việc làm hết sức nhân văn , giúp cho nhiều bệnh nhân được ở gần gia đình, tiết kiệm kinh phí cho bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân nghèo với bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo . Đồng thời, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên", ông Chỉnh chia sẻ.
Trong thời gian tới, ngành y tế Nghệ An sẽ phối hợp cùng các địa phương thực hiện kêu gọi, sử dụng các nguồn vốn để phát triển thêm các đơn nguyên thận nhân tạo, đặt tại các địa bàn đông dân cư, địa bàn khó khăn… để giúp cho các bệnh nhân chạy thận vơi bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Clip Khai trương đơn nguyên chạy thận nhân tạo tại Khu vực miền núi Nghệ An:
Khai trương đơn nguyên chạy thận nhân tạo