Khai thác vàng kiểu... tự diệt !?

15-12-2010 14:09 | Thời sự
google news

Vàng - tài nguyên quốc gia, kim loại quý hiếm giá trị cao lại đang bị quản lý chưa chặt chẽ, gây thất thoát, bên cạnh đó là môi trường và đời sống của người dân vùng có các điểm mỏ vàng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vàng - tài nguyên quốc gia, kim loại quý hiếm giá trị cao lại đang bị quản lý chưa chặt chẽ, gây thất thoát, bên cạnh đó là môi trường và đời sống của người dân vùng có các điểm mỏ vàng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có một căn “bệnh” kỳ lạ liên quan đến các mỏ vàng đó là địa phương nào cũng thích cấp, giao các điểm mỏ vàng cho doanh nghiệp (DN)… và hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp được cấp phép, thăm dò khai thác vàng … Thế nhưng, chủ trương và cấp phép xong thì hầu như các tỉnh rất khó kiểm soát được những diễn biến sau đó - Bắc Kạn là một ví dụ.

Dọc con sông Bắc Giang chảy qua huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đâu cũng có vàng sa khoáng. Đây cũng là địa giới của một loạt dự án khai thác vàng được tỉnh cấp phép vào đây, thậm chí có dự án cấp phép cho làm vàng cách trường tiểu học, Trường mầm non Lạng San, Na Rì – Bắc Kạn chỉ có 12m. Chỉ 17km con sông Bắc Giang, đâu cũng có thể trở thành điểm khai thác vàng. Những máng lọc vàng được sản xuất và bán công khai trên tuyến đường này cùng các điểm mua vàng mọc lên ngày càng nhiều hơn tại khu vực heo hút này. Dọc con sông này, vẫn còn chứng tích của sự hủy hoại môi trường… Đó đây vẫn còn hậu quả của những doanh nghiệp đào vàng để lại những hố sâu, bãi thải cao như núi mà trước khi nhận đất, DN đã hứa hoàn thổ cho dân sau khai thác. DN đào vàng xong bỏ đi, còn Nhà nước lại bỏ tiền ra để hoàn thổ những bãi thải, hố sâu này… Nhiệt tình trong việc cấp phép với các điểm mỏ vàng, thế nhưng, công tác quản lý, bảo vệ với các điểm mỏ vàng hiện nay tại Bắc Kạn đang để buông lỏng, gây thất thoát tài nguyên quốc gia. Trên tuyến đường 279 qua huyện Ngân Sơn, các nhóm quặng tặc hoạt động công khai, đưa máy xúc đào tung các lòng suối, đào tung cả ruộng canh tác, nhất là ở khu vực xã Thuần Mang để khai thác vàng.
 Nạn khai thác vàng bừa  bãi làm hủy hoại môi trường.
 
Tại cánh đồng lúa Lương Thượng, huyện Na Rì - Bắc Kạn, những hố thụt sâu giữa ruộng thỉnh thoảng xuất hiện. Người dân ở đây đã quen với hiện tượng này bởi biết rõ rằng đây là hậu quả từ những bãi khai thác vàng. Khu ruộng của thôn Vằng Khít trước đây là bãi vàng sâu 10m, khu đất mới được hoàn thổ là hy vọng của người dân thôn Vằng Khít có đất sản xuất. Hy vọng vừa bừng lên nhưng người dân mãi vẫn chưa được chia đất sản xuất. Ông Nông Thiêm Quyên – Trưởng thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng, Na Rì, Bắc Kạn than thở: “Dân thiếu ruộng, mong giữ lại đất này lắm vì vừa hoàn thổ xong, dân chỉ muốn có đất để làm nông nghiệp thôi...”.

Còn tại thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, Na Rì, Bắc Kan, doanh nghiệp khai thác tận thu, hết hạn bỏ đi để lại cho một cái hồ vừa to, vừa sâu. Không có đất canh tác, nhiều nhà tổ chức thành đội đi “mót vàng” từ các đống “sái” cũ dù biết là bị cấm. Xã biết, thôn biết cũng đành để dân làm vì không đi “mót vàng” thì xã làm gì còn đất để chia cho dân canh tác sinh sống.

Dân mất ruộng, ngân sách phải bỏ ra để hoàn thổ, còn DN đào được vàng đã bỏ đi sau khi khai thác xong. Tiếng là nằm trên vùng vàng nhưng các xã có mỏ vàng hầu hết đều nằm trong diện 135...

Quản lý, bảo vệ tài nguyên quốc gia thì chưa chặt nhưng tại Bắc Kạn, việc cấp phép cho thăm dò, khai thác vàng với sự nhiệt tình quá mức. Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ - nơi bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn động thực vật quý hiếm của Bắc Kạn, tỉnh cũng từng cấp phép cho một doanh nghiệp vào khai thác vàng tại đây(!?)

 Việc khai thác vàng ở Bắc Kạn rất khó cho việc hoàn thổ.

Trước sự bức xúc của nhân dân và kiến nghị của chính quyền các xã có dự án, huyện ủy huyện Na Rì đã gửi công văn tới Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn xin tạm dừng các dự án cấp phép khai thác vàng.

Quy hoạch khai thác vàng tại tỉnh Bắc Kạn đang đòi hỏi phải có cơ chế minh bạch hướng đến việc hoặc là bảo tồn nguồn tài nguyên này cho các thế hệ mai sau hoặc là phải quy hoạch chi tiết vùng tài nguyên, đồng thời có cơ chế tổ chức thăm dò, khai thác rõ ràng. Trong đó, Nhà nước và người dân, địa phương phải là chủ thể được hưởng lợi từ các dự án khai thác vàng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần phải nâng mức xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn liên tục tái diễn nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền cơ sở… vì hiện nay, việc xử lý nạn khai thác vàng trái phép vẫn dừng ở mức xử phạt hành chính mà chưa nâng chế tài lên mức xử lý hình sự nên tình trạng đào đãi vàng vẫn không thể ngăn chặn là đương nhiên.          

Trần Nguyễn


Ý kiến của bạn