Khai thác tận diệt giun đất, liệu có còn vị thuốc địa long?

SKĐS - Hiện nay, tình trạng kích giun bằng máy kích điện đang tái diễn ở nhiều địa phương. Điều này không chỉ khiến đất đai trở nên bạc màu, mà còn có nguy cơ suy giảm vị thuốc địa long quý trong y học cổ truyền...

Gần đây, tại một số tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình... tình trạng sử dụng xung điện để kích giun diễn ra ngày càng nhiều với mục đích bán cho thương lái, khiến giun đất đối diện với nguy cơ bị tận diệt.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thổ nhưỡng do giun đất được ví như một chỉ thị sinh học để đo lường chất lượng đất. Hơn nữa, giun đất bị tận diệt sẽ khiến vị thuốc địa long ngày càng khan hiếm, có thể làm ảnh hưởng tới những phương thuốc điều trị của y học cổ truyền có địa long.

1. Giun đất (địa long), vị thuốc chữa nhiều bệnh trong y học cổ truyền

Địa long (giun đất) còn có tên gọi khác là trùng đất, thổ long, giun khoang, trùng hổ, khâu dẫn, khúc đàn, ca nữ, phụ dẫn, kỳ dẫn. Địa long có tên khoa học là Pheretima asiatica sp. Megascolecidae.

Thức ăn chính của giun là mùn hữu cơ. Chúng sợ ánh sáng nên hiếm khi chui ra khỏi mặt đất. Chỉ khi mưa lớn khiến bùn đất trũng xuống và mất độ xốp giun mới bò lên để hô hấp. Loài này thải ra những viên bã và đất tròn xíu, mà ta thường gọi là cứt giun. Cứt trùng trong Đông y gọi là khâu dẫn nê hay địa long nê.

Toàn thân của giun đất đều được sử dụng để làm thuốc với tên gọi địa long.

photo-1691988051710

Giun đất cho vị thuốc địa long.

Vị thuốc địa long chứa một số thành phần hóa học có tác dụng phá huyết, chống co giật, kháng histamine, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài; giãn phế quản và hạ cơn hen cấp; an thần và hạ thân nhiệt. Ngoài ra, địa long còn chứa nhiều loại acid amin, vitamin và muối hữu cơ.

Theo Y học cổ truyền, địa long có vị mặn, tính hàn, không độc; quy kinh can, phế, tỳ, vị, thận, bàng quang. Địa long có công dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc; phá huyết tích tụ, trừ phong thấp, hạ sốt, thông đại tiện, trừ đờm, loại bỏ trùng tích trong cơ thể...

Địa long chủ trị bệnh nhiệt phát cuồng, ho suyễn, kinh phong cấp, mạn; sốt cao kinh giật, bồn chồn kinh động, viêm đường tiết niệu, động kinh, sốt rét, di chứng bại liệt nửa người, tiểu tiện không thông và phong thấp gây đau nhức.

photo-1691988052908

Vị thuốc địa long

2. Cách dùng và liều dùng vị thuốc địa long

- Cách dùng: Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng địa long theo nhiều cách khác nhau:

  • Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
  • Địa long được sắc lấy nước uống, tán bột, làm hoàn hoặc giã sống.

- Liều dùng: 6-12g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc 2-4g/ngày dưới dạng thuốc bột.

3. Nhiều bài thuốc từ địa long giúp phòng và điều trị bệnh

3.1. "Bổ dương hoàn ngũ thang"

- Tác dụng: Trị bán thân bất toại, khẩu nhãn oa tà, không nói được.

- Thành phần: Địa long 12g, đào nhân 08g, hồng hoa 08g, hoàng kỳ 16g, đương quy vĩ 12g, xích thược 12g, xuyên khung 08g.

- Cách dùng: Sắc với 600 ml nước, còn 200 ml chia uống 03 lần trong ngày. Sau 4-5 ngày thì bỏ phòng phong và tiếp tục sắc thuốc trên uống.

photo-1691988053431

Các vị trong bài thuốc "Bổ dương hoàn ngũ thang"

3.2. Hoạt lạc đơn (Hòa tễ cục phương)

Tác dụng: Trị ứ huyết do thấp đàm, kinh lạc ứ tắc gây đau.

Thành phần: Địa long 08g, thiên nam tinh 08g, nhũ hương 06g, xuyên ô đầu 08g, thảo ô đầu 08g, một dược 06g. Tổng lượng 44g.

Cách dùng: Tán bột, chưng với rượu hồ làm thành viên. Uống 01 viên/lần với nước sắc kinh giới hoặc tvật thang (Qui, Thục, Khung, Thược)

3.3. Phổ tế phương

Tác dụng: Trị răng sâu, đau.

Thành phần: Địa long, nước muối, miến ăn liều lượng vừa đủ dùng 1 lần.

Cách dùng: Địa long, hòa nước muối, trộn miến, nhét vào răng đau.

3.4. Trị sốt cao co giật

Bài 1. Địa long 12g, toàn yết 04g, câu đằng 12g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 10g. Tổng lượng 50g.

Cách dùng: Sắc uống trong ngày.

Bài 2: Địa long chế 100g, chu sa 30g. Tổng lượng 130g.

Cách dùng: Tán bột mịn, làm viên, uống 03g/lần.

photo-1691988053855

Địa long có thể tán bột kết hợp với chu sa trị sốt cao co giật.

3.5. Phòng trị ung thư, huyết áp cao

Thành phần: Địa long chế 40g, ngô công (rết) chế 40g, toàn yết (bò cạp) chế 40g, lộ phong phòng (tổ ong vàng lớn) chế 40g, xà thoái (xác rắn) chế 40g, bồ công anh 40g, bản lam căn 40g, bách hoa xà thiệt thảo 200g. Tổng lượng 480g.

Cách dùng: Tán bột mịn, hoàn viên với mật mía. Uống 8 g/lần với nước ấm.

Tác dụng các vị thuốc:

  • Địa long: Thanh nhiệt, giải độc, trấn kinh, lợi niệu
  • Ngô công, toàn yết: Trừ phong, trấn kinh, giải độc.
  • Lộ phong phòng: Khử phong, chống độc, sát trùng.
  • Xà thoái: Trừ ác sang (phong hủi)
  • Bản lam căn, bồ công anh, bách hoa xà thiệt thảo: Thanh nhiệt, giải độc...

Tác dụng bài thuốc: Thanh nhiệt, giải độc, khu phong, trấn kinh, trừ ác.

Kiêng kỵ khi dùng địa long:

  • Không dùng cho trường hợp có hư hàn (tay chân lạnh, sắc mặt thường trắng bệch, sức yếu hay mệt mỏi, tự ra mồ hôi…) mà không có thực nhiệt (nóng sốt, rêu lưỡi vàng, tiểu tiện đỏ gắt, họng khô, khát nước…).
  • Không dùng cho người có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu.
  • Địa long sợ hành nên trong phối ngũ nên tránh vị hành.

Mời bạn xem tiếp video:

Nấm Linh Chi Có Tác Dụng Gì? | SKĐS


Lương y. Bùi Đắc Sáng
Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông Y Hà Nội
Ý kiến của bạn