Khai thác khoáng sản tràn lan: “Đầu độc” môi trường

26-04-2017 13:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác trái phép gây tổn hại vô cùng lớn đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia.

Khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác trái phép gây tổn hại vô cùng lớn đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Gần đây, vì buông lỏng quản lý, cấp phép “quá tay” mà hoạt động này trở thành điểm nóng ở một số địa phương. Chính phủ đã vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng các địa bàn đang bức xúc để giải quyết tình trạng này…

Nhộn nhạo khai khoáng khắp nơi

Thời gian gần đây, có rất nhiều thông tin phản ánh về tình trạng khai thác vàng trái phép quy mô lớn lại xuất hiện ở mỏ vàng Bồng Miêu, trên địa bàn xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Các đối tượng ngang nhiên tàng trữ hàng tấn hóa chất độc hại ngay tại bãi vàng. Việc sử dụng khối lượng lớn hóa chất này để tuyển vàng khiến người dân lo ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Việc cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt nhiều năm qua cũng gây ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân khu vực và điểm du lịch núi Hồng, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng loạt công ty chế biến đá vào khai thác khiến dãy núi bị nham nhở, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đặc biệt, trong mùa mưa, bùn đất từ dãy núi Hồng trôi xuống làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đi lại của người dân địa phương.

Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 3670/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu tình trạng khai thác khoáng sản ở Quảng Nam và Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu, Bộ TN - MT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Quảng Nam và Hà Tĩnh kiểm tra, làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2017.

Khai thác khoáng sản tràn lanNhững bãi khai thác vàng trái phép khiến nhiều người bỏ mạng, hệ lụy gây cho xã hội và môi trường vô cùng lớn.

Cấp phép nhiều, quản chẳng bao nhiêu

Thực tế cho thấy tình trạng bức xúc này đã âm ỉ nhiều năm nay và diễn ra vô cùng “sôi động” ở những địa phương có trữ lượng khoáng sản phong phú.

Điển hình là Quảng Nam, các nhóm khai thác khoáng sản trái phép tổ chức tại một số con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gây sạt lở và đe dọa đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn. Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, qua quá trình khảo sát thực tế, một số điểm dọc sông Yên (dòng sông nối dài qua địa phận của 2 địa phương: Đại Lộc - Điện Bàn) đã bị sạt lở, đặc biệt khu vực gần các mỏ cát của các công ty khai thác.

Huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn cũng được biết đến là 2 địa phương có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi của tỉnh Quảng Nam. Ngoài đợt kiểm tra, kiểm soát này, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tăng cường công tác phối hợp với 2 địa phương nói trên để kiểm soát tốt tình hình khai thác khoáng sản, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép khi bị phát hiện.

Từ trước đến nay, Nghệ An đã nổi danh là một điểm nóng về khai khoáng, nhưng đi kèm với đó là rất nhiều hệ lụy hơn là những điểm tích cực. Tại huyện Quỳ Hợp, thời gian qua có hơn 100 mỏ khai khoáng được cấp phép. Dù nhiều mỏ đã bị đình chỉ hoạt động để khắc phục những sai phạm trong khai thác nhưng người dân địa phương vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Xã Châu Cường (Quỳ Hợp) tuy cách mỏ thiếc nằm trên thượng nguồn suối Nậm Huống trên 10km nhưng khi các mỏ hoạt động hết công suất, nước thải chảy xuống đoạn suối chảy qua xã đỏ quạch, đặc quánh, gần như không thể sử dụng được.

Các con suối Nậm Tôn và Nậm Huống chảy qua địa bàn xã Châu Quang (Quỳ Hợp) cũng rơi vào cảnh thê thảm vì hoạt động khai khoáng. Có những thời điểm nước suối Nậm Tôn đỏ và đặc đến mức người dân gọi những bản nằm dọc con suối này là “bản nước đỏ”. Chính quyền địa phương từng ghi nhận hiện tượng trâu bò chết sau khi uống nước suối Nậm Tôn. Nhiều diện tích đất trồng lúa và ngô dọc theo suối Nậm Huống của xã Châu Cường đã có dấu hiệu hoang hóa, những diện tích bị ngập sâu, bùn lũ phủ nhiều thì lúa và hoa màu không sống được. “Dân ở đây chủ yếu sống bằng cấy cày, giờ đất đai thế này thì không biết lấy gì mà sống”, ông Duy nói.

Phòng TN-MT huyện Quỳ Hợp cho biết, trong năm 2016, qua kiểm tra 55 điểm mỏ (46 mỏ đá và 9 mỏ thiếc), đoàn liên ngành của tỉnh Nghệ An phát hiện có 20 mỏ vi phạm về các quy định bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thiết kế. Nguyên nhân một phần là nhiều doanh nghiệp được cấp phép ngắn hạn, họ không đầu tư công nghệ, xử lý thải vì cho rằng chỉ được khai thác thời gian 3 - 5 năm nên bao nhiêu “tội vạ” đổ cả cho môi trường xung quanh.

Thiết nghĩ, việc để tình trạng này tràn lan là do lỗi của các cơ quan quản lý buông lỏng. Vì vậy, giải pháp là các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ và đánh giá một cách toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản. Nơi nào phải hạn chế, thậm chí dừng, cấm. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi giấy phép đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không cấp phép khai thác khoáng sản ngắn hạn; với các đơn vị sử dụng công nghệ cũ, không đảm bảo xử lý triệt để nguồn thải.


Mạnh Bằng
Ý kiến của bạn