Đây là sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới; là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thảo luận, đưa ra các quyết sách chính trị - kinh tế quan trọng, cũng như những giải pháp đưa thế giới vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Đây cũng lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC; cho thấy sự năng động, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng trên các diễn đàn quốc tế.
Đà Nẵng (Việt Nam) đang trở thành điểm đến toàn cầu với sự hiện diện của hơn 10.000 đại biểu cùng tham sự Tuần lễ Cấp cao APEC. Với 4 sự kiện quan trọng của Tuần lễ Cấp cao, bao gồm: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC; Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25; Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lần đầu tiên và nhiều sự kiện quan trọng khác... Tuần lễ cấp cao APEC 2017 không chỉ là dịp để APEC nói chung và mỗi nền kinh tế của APEC tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác; mà còn là nơi các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ, đưa ra nhiều cam kết, quyết sách về chính trị - kinh tế... tác động trực tiếp đến sự ổn định toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động, an ninh phi truyền thống và chủ nghĩa khủng bố nổi lên trở thành một trong những mối đe dọa hàng đầu, sự quan tâm của APEC cũng đã mở rộng sang các vấn đề an ninh và chính trị của khu vực, với việc ra tuyên bố riêng về chống khủng bố và biến đổi khí hậu; qua đó, củng cố thêm vai trò và uy tín của APEC trên trường quốc tế.
Sự có mặt của 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga, Australia...; sự hiện diện của lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới; Diễn đàn Kinh tế thế giới; sự hiện diện của các CEO toàn cầu với những tên tuổi lớn như Walmart, Facebook, Fed Express... và cả những hãng truyền thông lớn như BBC, CNN, Reuters, AP... đang thực sự tạo nên “sức nóng” cho một Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 khai mạc ở Đà Nẵng. Nhiều kỳ vọng được trông đợi, nhiều quyết sách được đưa ra... Tất cả sẽ tạo nên một xung lực mới cho APEC, biến diễn đàn này trở thành một điểm hẹn quan trọng của ý tưởng, của sáng tạo; tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới.
Một hình ảnh Việt Nam mới
Lần thứ 2 đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế quan trọng này, Việt Nam đang thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của một thành viên APEC. Với 4 ưu tiên lớn về: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu... Việt Nam đã cùng các thành viên khác thúc đẩy các liên kết khu vực, tạo động lực cho phát triển kinh tế khu vực. Tất cả những sáng kiến, ý tưởng của Việt Nam đều được bạn bè đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng.
Với tiêu đề “Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao”, tờ The Washington Times số ra ngày 3/11 đã bình luận về chặng dừng chân tại Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng của người đứng đầu nước Mỹ.
The Washington Times, trong những trọng tâm ngoại giao trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump chính là sự trở lại Việt Nam của Mỹ. Việc Mỹ từng là cựu thù, nay trở thành đối tác thương mại gần gũi với Việt Nam đã chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Hơn hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn. Hai nước luôn mong muốn duy trì và phát triển những thành quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 vừa qua, theo đó, cam kết tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và hàng hải.
Giáo sư Guillermo Perez Cena thuộc Khoa Ngoại thương của Đại học Thế kỷ XXI, thành viên Hiệp hội Hợp tác và hội nhập châu Á - châu Mỹ.
Giáo sư Cena cho biết, ông vừa có chuyến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và ông cảm nhận được không khí chuẩn bị sôi động cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Theo ông, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC, diễn đàn đa phương góp phần thúc đẩy các quan hệ liên kết giữa các nền kinh tế thành viên lần này là một thách thức. Hiện nay, APEC đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc thúc đẩy kết nối giữa tất cả các nền kinh tế thành viên, toàn cầu hóa và tự do thương mại. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa ra chính sách đối ngoại hướng tới việc quốc tế hóa hoàn toàn.
Với việc đại diện cho 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại thế giới và các sáng kiến, ý tưởng, APEC đang tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu; tạo dựng một nền tảng chính trị hợp tác khu vực sâu rộng hơn, tiếp tục khẳng định uy tín và vị thế của mình trong vai trò lãnh đạo, dẫn dắt thế giới. Là thành viên tích cực của APEC, Việt Nam đang nỗ lực tổ chức một APEC thành công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và ổn định, hòa bình, thịnh vượng của thế giới.