Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên khai mạc. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Sau lễ khai mạc, Đại hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII.
Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Tham dự lễ khai mạc Đại hội có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; đại diện Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu; các đại sứ, đại biện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày
Mở đầu phiên khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, cho biết: Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; đánh giá công tác xây dựng Đảng và kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đây là những nhiệm vụ trọng đại và hết sức vẻ vang mà toàn Đảng, toàn dân đã giao cho Đại hội”.
Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhấn mạnh: Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần giải quyết. Từ tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đến các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của những tiến bộ khoa học công nghệ đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế-xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân đang mong muốn, đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Đảng để khơi thông mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn với phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục đà phát triển đất nước nhanh và bền vững vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Đồng thời chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hoá khát vọng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Đại hội Đảng lần thứ XIII có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta, khong chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 mà trong cả những thập niên tới, cho tới tương lai của đất nước.
Với quan điểm nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới, hội nhập, phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết chung sức đồng lòng, kiên định niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Đồng thời Đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng, đặc biệt là bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh, trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nền nhưng rất vẻ vang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới.
"Với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.
Diễn ra từ 25/1-2/2/2021, Đại hội XIII của Đảng có phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Báo cáo chính trị lần này có chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng. Độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.
Kết quả làm việc tại phiên họp trù bị ngày 25/1 cho thấy Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội XIII của Đảng do Ban Thẩm tra tư cách đại biểu trình. Theo đó, tất cả 1.587 đại biểu được triệu tập dự Đại hội đều đủ tư cách đại biểu Đại hội.
Đại hội cũng đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 16 Ủy viên Bộ Chính trị và ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội bầu Đoàn Thư ký gồm 5 người và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội gồm 13 người.
Quy chế làm việc của Đại hội, Chương trình làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã được các đại biểu biểu quyết thông qua.
Các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.