Hà Nội

Khai mạc phiên họp toàn thế lần thứ hai Ủy ban Xã hội của Quốc hội

27-09-2021 13:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội tiến hành khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.

Đề án 'khám, chữa bệnh từ xa' sau 1 năm triển khai đã kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dướiĐề án "khám, chữa bệnh từ xa" sau 1 năm triển khai đã kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới

SKĐS - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 sau một năm triển khai, 32 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%), kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Phiên họp của Ủy ban Xã hội lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch, Phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày 27/9 và ngày 1/10/2021.

Khai mạc phiên họp toàn thế lần thứ hai Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và kết quả hoạt động của Ủy ban, của Thường trực Ủy ban từ sau Phiên họp thứ nhất ngày 21/7/2021 đến nay. Ủy ban đã hoạt động khẩn trương ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ khóa XV với các sản phẩm như Báo cáo về một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Thẩm tra đề xuất của Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết; đặc biệt là đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc để xuất một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Xã hội được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới phương thức, phát huy dân chủ, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động. Nội dung công việc trong Phiên họp này rất quan trọng, không chỉ để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội mà còn còn có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức, hoạt động của Ủy ban. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các đại biểu quan tâm một số nội dung sau:

Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), như yêu cầu, hy vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như Ủy ban Thường vụ đã nêu: khi ban hành Luật phải bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng, khắc phục những bất cập, tạo bước chuyển biến tích cực, rõ rệt trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và thực sự là động lực của phát triển xã hội. Đây là dự án Luật đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu để hiện thực được tầm nhìn cũng như định hướng, các chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Khai mạc phiên họp toàn thế lần thứ hai Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Đối với việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: phải làm rõ thực trạng của việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phân tích nguyên nhân của việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, giải pháp đột phá để chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Chỉ ra được những bất cập của chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ đó có những đề xuất góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này.

Đối với việc thẩm tra các nội dung về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đề nghị khai thác sâu tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về hoạt động và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cần tập trung vào việc hiện thực hóa các mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của thuốc lá.

Khai mạc phiên họp toàn thế lần thứ hai Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Ảnh 4.

Toàn cảnh Phiên họp.

Về việc thảo luận một số nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ủy ban, đề nghị mỗi thành viên Ủy ban thường xuyên theo sát diễn biến, tình hình thực tiễn và nắm chắc tình hình của từng lĩnh vực phụ trách, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng, sâu sắc trong hoạt động của Ủy ban và các quyết sách của Quốc hội. Xác định rõ kết quả thực hiện, có sản phẩm rõ ràng, có bản lĩnh, chính kiến trong công tác giám sát. Trong quá trình thảo luận phương hướng công tác năm 2022, đề nghị Ủy ban bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban và các Đề án lớn của Quốc hội để cụ thể hóa trong kế hoạch công tác, bám sát lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành của Ủy ban.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên Ủy ban Xã hội tiếp tục thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, dân chủ, chân thành, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh mới, chuẩn bị từ sớm, từ xa cho các nội dung hoạt động của mình. Từ nay tới cuối năm, thời gian không còn nhiều, Ủy ban còn một số nhiệm vụ, hoạt động lớn, đề nghị Ủy ban tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ đã đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng rằng Ủy ban sẽ phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mình, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, phát triển để khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban Xã hội đối với các hoạt động của Quốc hội. Ngay sau Phiên khai mạc, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp thẩm dự án Luật Thi đua - khen thưởng (sửa đổi).


Lê Bảo
Ý kiến của bạn