Khai mạc phiên họp Đại hội đồng LHQ khóa 73: Nhiều vấn đề “nóng” chờ được giải quyết

26-09-2018 07:14 | Quốc tế

SKĐS - Với chủ đề “Làm cho Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững”, phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 1/10/2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao này tại Hoa Kỳ.

Tại Phiên họp thảo luận cấp cao, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ báo cáo về công việc chung của tổ chức, nhấn mạnh đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh năm qua một số xung đột đang gia tăng căng thẳng, bất bình đẳng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng...

Năm nay, dự kiến sẽ có hơn 130 nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại trụ sở Liên hợp quốc, cao hơn nhiều so với 114 nhà lãnh đạo tham dự phiên họp năm ngoái. Đây là một con số có ý nghĩa biểu tượng cao, được Liên hợp quốc kỳ vọng sẽ là minh chứng rõ nhất cho thấy, chủ nghĩa đa phương không hoàn toàn “bị mất phương hướng”, mà sẽ là động lực để tạo ra những đột phá lớn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng lớn hiện nay như Syria, Yemen, Libya hay vấn đề hạt nhân Iran.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên có phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục ý tưởng về một thế giới theo cách riêng của ông như vẫn đang thúc đẩy kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm ngoái. Bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng là một trong những phát biểu đáng chú ý trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Một sự kiện đáng chú ý diễn ra trong tuần này, cho thấy quyết tâm thúc đẩy cơ chế đa phương đó là “Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh” lần thứ 2 do Pháp chủ trì nhằm huy động các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức phi chính phủ tăng cường cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Được tổ chức hồi cuối năm ngoái tại thủ đô Paris, Pháp, “Hội nghị thượng đỉnh Một hành tinh” lần thứ nhất là câu trả lời cho quyết định của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Pháp mới đây, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian bày tỏ tin tưởng nỗ lực phục hồi cơ chế đa phương quốc tế sẽ nhận được sự hưởng ứng mạnh của các “cường quốc có thiện chí”, cũng như “các quốc gia gắn bó với cuộc chơi dân chủ, với pháp quyền, với nhu cầu hợp tác quốc tế”.

Nhân kỳ họp Đại hội đồng năm nay, Liên hợp quốc sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh Nelson Mandela vì hòa bình, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Từ tháng 5 năm ngoái, Nam Phi và Cộng hòa Ailen đã được trao trọng trách đàm phán về một tuyên bố chính trị chung nhằm thúc đẩy sự gắn bó của tổ chức và các quốc gia thành viên với hòa bình, nhân quyền. Một tuyên bố có ý nghĩa biểu tượng cao khi càng ngày càng có nhiều tiếng nói lên án các cuộc tấn công vào chủ nghĩa đa phương.

Được thành lập năm 1945, từ 51 quốc gia thành viên ban đầu, đến nay, Liên hợp quốc có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực... Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng hơn.

Tham dự Phiên họp, Đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp: “Tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân”, trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Với việc tham dự Phiên họp quan trọng này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của mình, làm bạn với các nước và cùng Liên hợp quốc giải quyết các vấn đề toàn cầu; độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương.

Trên nền tảng tốt đẹp ấy, việc Việt Nam tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; khẳng định vai trò của Việt Nam cùng các thành viên khác của Liên hợp quốc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.


N.Quang
Ý kiến của bạn