Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

22-10-2018 07:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo chương trình kỳ họp, ngày 22/10/2018, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc Kỳ họp thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội. Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8 giờ 00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp. Đúng 9 giờ 00, Quốc hội họp phiên khai mạc.

Theo thông lệ, tại kỳ họp cuối năm, bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước trong năm tới, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra. Kỳ họp thứ 6 có sứ mệnh đặc biệt bởi Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay những ngày đầu diễn ra kỳ họp. Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Một nội dung quan trọng khác được dư luận quan tâm theo dõi, đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này cũng sẽ được tiến hành ngay những ngày đầu Quốc hội họp, trước khi diễn ra các phiên chất vấn. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc lấy phiếu tín nhiệm là đối với tất cả các thành viên Chính phủ nhưng chất vấn chỉ một số thành viên Chính phủ có nội dung trong Nghị quyết giám sát chuyên đề và Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả rất tốt. Nhiều đồng chí khi lấy phiếu tín nhiệm thì kết quả chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm là rất rõ, vì qua lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ, ngành mình phụ trách đang được ĐBQH, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào và có vấn đề gì phải điều chỉnh, phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như mong muốn, đòi hỏi của người dân. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng đã có quy định rất rõ ràng. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ 2/3 tổng số ĐBQH trở lên đánh giá là “tín nhiệm thấp” thì UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu có trường hợp nào như vậy thì Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo đúng như quy định của Nghị quyết 85.

Về giám sát, điểm mới là kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Việc giám sát lại như vậy sẽ giúp Quốc hội đánh giá một cách tổng thể việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, chỉ rõ trách nhiệm và có những giải pháp quyết liệt để thực hiện được các nghị quyết của Quốc hội.

Liên quan đến hoạt động chất vấn, kỳ họp này, Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của ĐBQH.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao của đất nước, nhất là ngành nông nghiệp và quyền của công nhân lao động. Việc phê chuẩn Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với việc hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực thì lập tức thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của các nước thành viên, bên cạnh những tác động tích cực trong thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu trong nước thì một số mặt hàng của Việt Nam sức cạnh tranh còn yếu, ngành nông nghiệp, người nông dân cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Một số sản phẩm công nghiệp mà một số nước CPTPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta... Đây là những vấn đề cần phải bàn kỹ để có sự chuẩn bị, chủ động phát huy được những tác động tích cực, tìm cách ứng phó với những thách thức.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn