Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này có sự tham dự của lãnh đạo các nước như Canada, Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản cũng như các nhà lãnh đạo của Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu.
Lãnh đạo các nước khác cũng được mời tham dự gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngoài ra, danh sách khách mời còn có một số lãnh đạo châu Phi gồm Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune, Tổng thống Kenya William Ruto và Tổng thống Tunisia Kais Saied.
Giáo hoàng Francis cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, đánh dấu lần đầu tiên một giáo hoàng tham dự Hội nghị thượng đỉnh của G7. Dự kiến, Giáo hoàng Francis sẽ có bài phát biểu vào ngày 14/6 về những hứa hẹn và rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) đem lại, đồng thời kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột hiện nay trên thế giới.
Chào mừng các nhà lãnh đạo G7 tham dự hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Italy Giorgia Meloni cho biết hội nghị lần này muốn chuyển tải thông điệp đối thoại với khu vực Nam bán cầu và đoàn kết. Bà Meloni cũng ví G7 như cây ô liu cổ thụ là biểu tượng của vùng Puglia với "bộ rễ vững chắc và cành hướng về tương lai".
Diễn ra đến ngày 15/6, chương trình nghị sự của hội nghị trên bao gồm 6 phiên họp về phát triển châu Phi và biến đổi khí hậu, tình hình ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, di cư, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và một phiên họp đặc biệt tập trung vào trí tuệ nhân tạo và năng lượng.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết hội nghị sẽ tiến hành các cuộc thảo luận và dự kiến có thể đem lại kết quả cụ thể và có ý nghĩa.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua chứng kiến phe cực hữu gia tăng ảnh hưởng trên khắp châu Âu và tình hình bạo lực liên quan đến chính trị trở nên trầm trọng hơn trong những tháng gần đây. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất đang được triển khai tại Italy trước và trong thời gian diễn ra hội nghị.