Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự khác biệt về quan điểm và lợi ích giữa các nước lớn đã trở thành rào cản lớn nhất để thực hiện mục tiêu này.
Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đặt ra nhiều mục đích. Đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kèm theo đó, là bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội. Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Merkel đã không dấu diếm tham vọng tìm kiếm một sự đồng thuận giữa các cường quốc, để rồi từ đó giải quyết các thách thức toàn cầu mà G20- với tư cách là những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới phải gánh vác.
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn ảnh: báo Quân đội Nhân dân)
Không thể phủ nhận, với việc chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, từ khi thành lập, G20 đã chứng minh khả năng và tầm ảnh hưởng lớn của mình trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Thế nhưng, cũng đã không ít lần, G20 bất đồng- đơn giản vì không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, đã có khá nhiều câu hỏi được đặt ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, đặc biệt là về tính khả thi của mục tiêu mà Thủ tướng Đức Merkel đặt ra. Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới đã chứng kiến nhiều biến động khôn lường. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái với việc Tổng thống Donald Trump- người phản đối toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương lên nắm quyền, đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế-tài chính thế giới. Trước đó, việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit) với những tác động tiêu cực cả về chính trị và kinh tế đối với thế giới được ví là một đòn mạnh giáng vào các nỗ lực duy trì ổn định và thịnh vượng của các quốc gia. Ngoài ra, chủ nghĩa dân túy có xu hướng lên ngôi tại nhiều nước đã khiến làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, cản trở động lực tăng trưởng.
Bản thân các thành viên G20 cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn và cạnh tranh địa chính trị. Đức và Mỹ là một ví dụ. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng “sẽ khó khỏa lấp được mối bất đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu” khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris với tuyên bố rằng đây là một thắng lợi ngoại giao. Đây cũng là quan điểm chung giữa các thành viên khác của EU trong vấn đề khí hậu-mà nếu không được giải quyết một cách khéo léo, chắc chắn nó sẽ thổi bùng ngọn lửa bất đồng giữa Mỹ và các thành viên G20 EU khác. Thương mại cũng sẽ là chủ đề được dự báo khơi lên nhiều tranh cãi tại hội nghị G20 lần này. Nguyên nhân là do sự khác biệt về quan điểm khi các quốc gia G20 chủ trương hình thành thị trường mở và xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump lại theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ngoài ra, còn có rất nhiều sự khác biệt khác, như vấn đề người nhập cư, chính sách chống khủng bố, mà vì lợi ích riêng, chẳng có nước nào chịu nhượng bộ lẫn nhau.
Chính vì thế, có rất nhiều nghi ngờ rằng liệu G20 có thể nhất trí về một sự đồng thuận chung tại hội nghị lần này? Dưới góc nhìn phân tích, mọi việc dường như trở nên khó đoán định hơn khi tất cả các thành viên đều chủ trương bảo vệ lợi ích quốc gia thay vì một mục tiêu chung cần hướng tới.
Trong bối cảnh đó, rất cần có một tư duy mới cải thiện năng lực quản trị toàn cầu. Theo đó, các nền kinh tế G20 cần khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các thách thức về kinh tế và chính trị xã hội. Mỗi thành viên của G20 cũng cần tăng cường tính trách nhiệm và khả năng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Nguồn ảnh: báo Quân đội Nhân dân)
Việc Việt nam được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2017 trên cương vị Chủ nhà APEC 2017, cho thấy vị thế, vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu; đồng thời cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đáng chú ý, nội dung nghị sự của G20 và APEC đều tập trung vào vấn đề phát triển bao trùm trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, cho thấy một cách tiếp cận mới về chính sách quản trị toàn cầu. Trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều sáng kiến và tham dự các hội nghị liên quan của G20 với tư cách Chủ nhà APEC 2017. Qua đó, thúc đẩy kết nối và phối hợp các nội dung ưu tiên mà G20 và APEC cùng hướng tới trong năm 2017. Bên lề hội nghị, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 7/7 và rất nhiều cuộc gặp cấp cao khác dự kiến sẽ diễn ra-được cho là sẽ định hình một trật tự thế giới mới.
Vì vậy, chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới CHLB Đức tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 “Định hình một thế giới kết nối” một lần nữa thể hiện vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo kế hoạch, trong hai ngày hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam sẽ tham gia thảo luận tại các phiên họp chính và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị; quảng bá và gửi đến cộng đồng quốc tế hỉnh ảnh một Việt nam- quốc gia luôn có trách nhiệm cùng các đối tác giải quyết các thách thức toàn cầu.