Đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018; thể hiện vai trò tích cực, năng động cũng như những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế.
Diễn ra trong bối cảnh tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN tiếp tục được đẩy mạnh, tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh và phức tạp, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ngày càng sâu sắc, với hơn 60 phiên thảo luận và sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu quốc tế, Hội nghị diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) đã và đang hướng tới nhiều mục tiêu quan trọng. Đó là, xác định một tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì nhiều phiên họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.
Đáng chú ý, Việt Nam đã tạo nên dấu ấn tích cực khi đã chủ động, sáng tạo đưa vấn đề Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào nội hàm chủ đề của hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN cùng quan tâm vào nội dung nghị sự của hội nghị, trong đó có khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm trong CMCN 4.0, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao...
Kể từ khi Việt Nam hợp tác cùng Diễn đàn hợp tác Kinh tế Thế giới (WEF) năm 1989, Diễn dàn Kinh tế Thế giới đã góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đất nước. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này. Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN).
Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên Hội nghị diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018 thu hút được sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao các nước và đông đảo tập đoàn quốc tế hàng đầu thế giới. Điều này không những cho thấy chủ đề, nội dung Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) đáp ứng quan tâm và lợi ích chung của khu vực và thế giới, mà còn khẳng định vai trò quan trọng và vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới, nhất là sau khi đã tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Với sự tham dự của gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế, Hội nghị WEF- ASEAN 2018 là cơ hội tốt để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đổi mới, năng động; truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về quyết tâm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, chính sách và nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khơi dậy đổi mới, sáng tạo...
Trong khuôn khổ hội nghị, sẽ diễn ra nhiều hoạt động thu hút sự tham dự của đông đảo địa phương, doanh nghiệp Việt Nam như Diễn đàn mở về khởi nghiệp sáng tạo với chủ đề “ASEAN 4.0 vì người dân”, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, các hoạt động quảng bá Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Với các hoạt động này, Hội nghị WEF ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam, tạo cơ hội kết nối, thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực về tài chính, công nghệ, thị trường để thu hút đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển du lịch của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Là nước chủ nhà đăng cai hội nghị, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp thành công cho hội nghị. Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì nhiều phiên họp quan trọng, đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN và quốc tế cùng nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu. Trả lời phỏng vấn của Đài TNVN trước thềm hội nghị, ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhấn mạnh “vai trò hợp tác quan trọng của Việt Nam trong các cơ chế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới”; đồng thời đề cao tính chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả của chủ nhà Việt Nam.