Trong hai ngày diễn ra Hội nghị SOM 1, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về việc triển khai các kế hoạch hành động chung nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực để người dân và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, nhằm tận dụng được các cơ hội của một thế giới toàn cầu hóa và đang thay đổi nhanh chóng. Các đại biểu sẽ thảo luận và thống nhất trong việc đưa ra chủ đề và các ưu tiên chung của năm APEC 2017 mà Việt Nam đề xuất, trong đó có tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư cho người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số tham gia vào thương mại quốc tế; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. “Hội nghị SOM 1 là một sự kiện rất quan trọng, tìm cách làm sao để đưa ra những sáng kiến, chính sách rất cụ thể. Chẳng hạn những chính sách ưu tiên liên quan đến tăng cường sự năng động, sáng tạo, cạnh tranh giữa những doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ”, ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban thư ký APEC nói.
Các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên APEC tham dự SOM 1 - APEC 2017 khai mạc tại TP Nha Trang sáng 2/3. (Nguồn ảnh: Dân Trí)
Những nỗ lực của Việt nam
Phát biểu khai mạc hội nghị SOM 1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC nhận định “sự kiện này là khởi đầu một năm nhiều thách thức với nhiều sự kiện APEC nhằm kết nối các nền kinh tế mang lại một sự thịnh vượng chung”.
Trước đó, từ ngày 18/2 đến ngày 2/3, đã diễn ra hơn 60 cuộc họp cấp ủy ban, các nhóm công tác để chuẩn bị cho cho Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC. Trong đó, ngày 1/3, là hoạt động đầu tiên có sự tham dự trực tiếp của các quan chức cao cấp APEC, Nhóm bạn Chủ tịch về Kết nối đã cập nhật tiến độ thực hiện các sáng kiến nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối của APEC. Trong bối cảnh tâm lý nghi ngại toàn cầu hoá hiện nay, APEC có nhiều lợi thế để khẳng định vai trò là động lực của liên kết kinh tế khu vực, do tính chất hợp tác tự nguyện, đồng thuận, không ràng buộc, có thể tập trung vào những nội dung hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Hôm qua (2/3), các nền kinh tế APEC đã bước vào hoạt động then chốt nhất. Thông điệp cụ thể là cùng các nền kinh tế thành viên tạo dựng sự năng động mới, là những động lực tăng trưởng mới cho khu vực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế- thương mại đang suy giảm.
Việc đăng cai APEC 2017 là một trong các ưu tiên của đối ngoại của Việt Nam, với mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường hợp tác trong khu vực, góp phần đưa Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Với chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC cần có “động lực mới” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế, cũng như tái khẳng định vai trò của Diễn đàn trong việc định hình “một tương lai chung” vì hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Chủ tịch SOM APEC 2017 phát biểu tại phiên khai mạc
Là chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam đã xác định 4 ưu tiên chính của Năm APEC 2017 bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm ; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng ; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ chủ trì hơn 200 cuộc họp tại nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có 8 cuộc họp cấp bộ ngành, các cuộc đối thoại cấp cao và 4 cuộc họp các quan chức cấp cao. Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 11/11 tại thành phố Đà Nẵng.
Thảo luận về các chương trình hoạt động của Năm APEC 2017, đại diện các Phái đoàn thường trực của 21 nền kinh tế thành viên APEC tại WTO đã đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam, cũng như hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam, và cam kết cùng Việt Nam đóng góp thiết thực vào thành công chung của năm APEC 2017. Các thành viên APEC đều khẳng định trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi và trào lưu phản toàn cầu hóa đang gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, APEC cần đóng vai trò tích cực và có thông điệp mạnh mẽ ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và tự do thương mại. Các nước khẳng định sẵn sàng phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại Geneva để xây dựng các sáng kiến đóng góp vào kết quả của APEC 2017 theo hướng này.
“Tôi hy vọng với việc tổ chức thành công Hội nghị SOM 1 sẽ tiếp tục khẳng định mạnh mẽ vai trò chủ đạo của APEC như một khu vực kinh tế đầu tầu của thế giới mang lại sự tăng trưởng và thịnh vượng”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Các thành viên APEC cũng bày tỏ hy vọng Năm APEC 2017 thành công sẽ đóng góp lớn cho sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11, sự kiện quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới, sẽ diễn ra vào tháng 12/2017 tại Argentina./.