WEF năm nay sẽ có sự tham gia của đông đảo các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghiệp, tổ chức xã hội dân sự, các học giả và giới truyền thông. Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu 2017 ghi nhận những gam màu tươi sáng, giới phân tích nhận định đà thuận lợi này có thể kéo sang năm 2018, giúp kinh tế thế giới duy trì tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng có thể lên tới 3,7-4% vào năm nay.
Bức tranh kinh tế tích cực này khiến các đại biểu đến Davos lần này lạc quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến thời kỳ tăng trưởng bởi thế giới đang chia rẽ sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị lẫn xã hội…"Thành thật mà nói: năm 2018 không phải là năm tốt lành. Mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng người dân bị chia rẽ, các chính phủ không làm tốt nhiệm vụ điều hành kinh tế”, Chủ tịch Tập đoàn Eurasia Ian Bremmer nói. Mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng người dân bị chia rẽ, các chính phủ không làm tốt nhiệm vụ điều hành, và trật tự toàn cầu đang bộc lộ những rắc rối". Việc lựa chọn chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt” cho thấy nhận thức chung của các nhà lãnh đạo về một thế giới bị chia rẽ sâu sắc do sự cạnh tranh gia tăng giữa các nước cũng như những mâu thuẫn trong xã hội, đòi hỏi ráo riết nỗ lực để tìm kiếm giải pháp hàn gắn những rạn nứt này.
Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF khai mạc ngày 23-26/1 tại Thụy Sỹ
Trong khi đó, thế giới xuất hiện nhiều điểm nóng và mối quan hệ giữa các cường quốc đều xuất hiện rạn nứt. Trong đó những trục trặc giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa được cải thiện, mà còn bị khoét sâu bởi những bất đồng quan điểm sâu sắc trong nhiều vấn đề chủ chốt. Quan hệ Nga – Mỹ không ngừng căng thẳng với các hành động đáp trả lẫn nhau về cả ngoại giao và kinh tế; Mâu thuẫn Trung Đông với hàng loạt cuộc xung đột, lại bị đẩy lên cao với quyết định đơn phương của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ngoài ra,chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump đã khiến thế giới lo ngại. Những quyết định của ông Trump đã đánh thẳng vào các nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự WEF 48 vốn luôn tin tưởng, như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.... Bởi vậy, với sự tham gia lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, WEF năm nay được dự báo sẽ có những màn tranh cãi gay gắt về chính sách giữa nhà lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới với các đạibiểu
Những nội dung chính dự kiến thảo luận tại hội nghị lần này bao gồm tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo đối với thị trường lao động, sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu – nghèo, bất bình đẳng giới, vấn đề biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh như khủng bố. Ngoài ra, các vấn đề như các cuộc xung đột địa - chính trị leo thang hay môi trường năng lượng mới.Dự kiến, hội nghị sẽ có hơn 300 phiên thảo luận khác nhau.
Bối cảnh địa-chính trị đặc biệt này là yếu tố dẫn tới triển vọng bi quan 2018, với nguy cơ các cuộc đối đầu chính trị giữa các cường quốc lớn sẽ càng diễn biến phức tạp hơn.
Hiện an ninh đã được thắt chặt ơ Davos để chào đón các đại biểu. Tuyết rơi dày đặc cản trở giao thông đã khiến nhiều đoàn đại biểu nước ngoài tới Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018 gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, thậm chí nhiều đoàn không thể tham dự một số hội nghị trước phiên khai mạc chính thức của WEF. Nhiều cuộc họp dự kiến diễn ra tại thành phố Davos với sự tham gia của 3.000 đại biểu từ nhiều nước trên thế giới, đã bị hủy hoặc buộc phải hoãn lại. Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo Bộ phận thông tin truyền thông của WEF, ông Adrian Mock cho biết đây là đợt tuyết rơi dày đặc nhất ở Thụy Sĩ kể từ năm 1999-2000 và trong lịch sử tổ chức hội nghị có tuổi đời 40 năm này.
Với chủ đề "Tạo dựng một tương lai chung trong thế giới rạn nứt", WEF 2018 diễn ra từ ngày 23 – 26/1,tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu và những căng thẳng địa chính trị đang nổi lên. Dư luận hy vọng WEF năm nay với những chủ đề nóng, se tạo sức hấp dẫn mới cho tăng trưởng toàn cầu.