Khai mạc COP 21:Nỗ lực đến phút chót để cứu trái đất

30-11-2015 07:19 | Quốc tế

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 21), khai mạc hôm nay (30/11) tại Le Bourget, Paris

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 21), khai mạc hôm nay (30/11) tại Le Bourget, Paris. Đây được cho là cơ hội để cứu trái đất khỏi những thảm họa khó lường do hiện tượng nóng lên của trái đất.

Hội nghị COP 21 dự kiến kéo dài khoảng 2 tuần tại Le Bourget, với sự tham dự của nhà lãnh đạo quốc gia và người đứng đầu chính phủ đến từ gần 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mục đích của hội nghị là đi tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 2°C.

Người dân Paris xuống đường kêu gọi hãy cứu lấy trái đất.

Hiện tại, mới có hơn 178 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế phải tìm nguồn tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm nóng trái đất. Tuy nhiên, đến nay mức cam kết đóng góp của các nước giàu cũng chỉ hơn 75 tỷ USD. Oxfam ước tính, chỉ có từ 1 đến 2 tỷ USD/năm sẽ được dành cho việc các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đến nay, chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại “nóng” đến như vậy. Cùng với tình trạng băng tan, lỗ hổng tầng ozon ngày càng giãn rộng, thế giới liên tục chứng kiến những thảm hoạ tự nhiên như động đất, núi lửa, lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay trước thềm hội nghị COP 21, báo cáo của LHQ về hậu quả của biến đổi khí hậu cho biết thiên tai do biến đổi khí hậu đã cướp đi mạng sống của 606.000 người trong 20 năm qua. Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình của Mỹ (IEP) cho rằng con số trung bình 30.000 người chết vì biến đối khí hậu mỗi năm xấp xỉ với số người thiệt mạng vì các hoạt động khủng bố - 32.658 người trong năm 2014. Trong khi đó, WB cảnh báo hiện tượng trái đất ấm lên đã làm gia tăng mất mùa và sẽ đẩy thêm khoảng 100 triệu người vào cảnh đói nghèo.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (OMM) cho biết 5 năm qua (2011-2015) đã trở thành 5 năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay. “Đây là một tin buồn cho hành tinh của chúng ta”, Tổng thư ký OMM, Michel Jarraud nói.

Tháng 8/2015, Mỹ công bố sẽ tiến hành cắt giảm lượng phát thải khí carbon (CO2) từ lĩnh vực năng lượng đạt mức 32% tới trước năm 2030, tăng 9% so với một đề xuất trước đây. Các nhà khoa học cho rằng, các nước công nghiệp đến năm 2020 phải cắt giảm 25% - 40% lượng khí thải so với mức của năm 1990. Còn các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cần giảm 15% - 30% lượng khí thải so với mức hiện tại. Tuy nhiên, tính đến năm 2010, mới chỉ có 75 quốc gia cam kết giảm hoặc hạn chế thải khí gây hiệu ứng nhà kính. 75 nước này bao gồm 40 quốc gia công nghiệp phát triển và 30 nước đang phát triển, hiện thải ra 80% tổng lượng khí CO2 toàn thế giới.

Khó khăn chính hiện nay là cách thức phân chia trách nhiệm giữa các nước giàu với nước nghèo về việc cắt giảm khí thải toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển cho rằng họ không nên bị buộc phải đưa ra cam kết về những mục tiêu nhất định. Vì thế, tại COP 21 các nước sẽ phải thảo luận về tính ràng buộc hay không của thỏa thuận về khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng thỏa thuận này “chắc chắn không phải là một hiệp ước, Do đó, sẽ không có ràng buộc pháp lý về việc giảm phát thải khí như trường hợp của Nghị định thư Kyoto năm 1997”.

Thời điểm này, mọi ánh mắt đang đổ dồn về Paris. Ngay trước hội nghị này, hơn 60 bộ trưởng từ khắp thế giới đã đến Paris với mong muốn đạt được một thỏa hiệp để có thể đưa đến việc ký kết một văn kiện hoàn chỉnh, mang tính pháp lý thay thế Nghị định thư Kyoto nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.


N.Quang
Ý kiến của bạn