Dưới góc độ pháp lý, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Trưởng Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội liên quan đến những chế tài để xử lý hành vi vi phạm này.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy.
Phóng viên: Việc ông Nguyễn Văn Thanh và vợ có tiền sử đi du lịch đà nẵng (vùng dịch) về, có biểu hiện ho, đau họng dài ngày mà không khai báo, vậy hai vợ chồng ông Thanh đã vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 như thế nào, chế tài xử lý hành vi nêu trên ra sao thưa luật sư ?
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy: Dịch bệnh COVID-19 được Thủ tướng chính phủ công bố tại Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/04/2020 và được Bộ Y tế liệt vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Quyết định số 219/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 29/01/2020. Khi có biểu hiện lâm sàng của COVID-19 hoặc đi đến vùng có dịch thì người dân phải thực hiện khai báo y tế, thông báo ngay đến cơ sở y tế tại địa phương để có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, Công điện số 05/CD-UBND về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa Thành phố sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại Thành phố sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng mã QR Code, ứng dụng công nghệ thông tin/khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 khác cần phải đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất hoặc Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Nếu xác định được vợ chồng ông Thanh không khai báo y tế, có biểu hiện lâm sàng liên quan đến COVID-19 nhưng không khai báo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Phóng viên: Hành vi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm lây lan dịch COVID-19, cơ quan chức năng có cần khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự không thưa ông ?
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy: Hành vi của ông Nguyễn Văn Thanh cố ý không khai báo, khai báo gian dối, có biểu hiện nhưng đã không thông báo cho cơ quan chức năng mà vẫn tiếp tục tham gia, gặp gỡ nhiều người dẫn đến việc hiện nay đã có nhiều ca dương tính có liên quan, truy vết được hàng trăm F1 và phải tiến hành cách ly y tế đến hàng nghìn người. Hậu quả này ngày một nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng cực kỳ lớn đến công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Nếu đủ căn cứ, cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự để điều tra, quá trình điều tra nếu xác định ông Thanh có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố bị can.
Tòa nhà Center Point, 27 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân nơi ông Thanh lưu trú bị phong tỏa.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao “Về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19” tùy theo hành vi vi phạm của mình mà ông Thanh có thể bị điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.
Trường hợp nếu ông Thanh không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối sẽ bị xem xét điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh sau: Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi (Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối) gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 – Bộ luật Hình sự 2015 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Cụ thể, sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 05 - 10 năm nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.
Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10 - 12 năm.
Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Theo Công điện số 05/CD-UBND của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác trực thuộc. Như vậy sẽ phải có sự báo cáo kiểm điểm liên quan đến vụ việc đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp với các cá nhân, tập thể có liên quan tránh trường hợp tương tự xảy ra khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Đối chiếu với quy định tại công văn số 45/TANDTC-PC , nếu ông Thanh là người có trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19 thì lại xem xét điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh khác. Theo đó, người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 – Bộ luật Hình sự 2015.
Phóng viên: Để ngăn chặn những trường hợp tương tự, theo luật sư, các ban ngành chức năng cần tiến hành và đưa ra những giải pháp gì ?
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy: Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý thậm chí là khởi tố hình sự đối với hành vi không tuân thủ quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vi phạm như trên xảy ra. Có thể thấy, nhiều người dân vẫn chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch cũng như hậu quả khi dịch bệnh lây lan. Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn và nêu biện pháp xử lý mang tính răn đe khiến người dân tự ý thức tốt hơn nữa trong tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, khi xuất hiện các vi phạm phải có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc xử phạt đúng người, đúng quy định thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Cùng với đó là nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động trực thuộc, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch của Nhà nước và địa phương nơi đặt trụ sở. Điều này góp phần lớn giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát dịch một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công ty Hacinco khai báo y tế không trung thực.
Phóng viên: Qua vụ việc này, luật sư có khuyến cáo gì, đặc biệt là thái độ, ý thức phòng chống dịch COVID-19 ?
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy: Hiện nay, cùng với việc phải đối mặt với nguy cơ rất cao là nguồn lây nhiễm xâm nhập từ bên ngoài qua các đối tượng nhập cảnh, hoặc vượt biên trái phép, các lực lượng chức năng còn đang phải quyết liệt triển khai mạnh mẽ các giải pháp để ngăn chặn các nguồn lây lan trong cộng đồng.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, cần có sự ủng hộ, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng chống dịch cao độ của mỗi cá nhân, tổ chức. Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh hơn trước, chúng ta cần tiến hành càng nhanh càng tốt các biện pháp truy vết dịch tễ, phát hiện và khoanh vùng ổ dịch, xét nghiệm hết các trường hợp nghi nhiễm, cách ly các ca nhiễm để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Nếu chậm, sẽ bỏ lỡ mất thời gian vàng.
Mỗi người dân cần chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không nghe theo hoặc phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội.
Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch, thì ý thức, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện những giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch lan rộng. Ðó cũng là sự chung tay, góp sức cùng cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh.