Khách du lịch sợ hãi vì sứa biển tấn công, sơ cứu thế nào?

02-05-2022 09:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một số du khách đi nghỉ lễ tại bãi biển Đồ Sơn, Cát Bà... đã đăng cảnh báo lên mạng xã hội vì liên tục bị sứa biển tấn công. Chuyên gia cho biết, nếu tiếp xúc trực tiếp với một số loại sứa trong thời gian dài có thể gây hoại tử một phần da vì chất độc tiết ra từ cơ thể sứa.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tại bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng, nhiều người bắt gặp cảnh tượng sứa roi đang "lang thang" khu vực gần bờ - nơi du khách thường xuyên tắm biển. Theo các chuyên gia, người dân chỉ cần tắm gần loại sứa roi này cũng có thể dính phải chất độc từ cơ thể sứa tiết ra khiến da bị ngứa rát. Nếu tiếp xúc trực tiếp với nó trong thời gian dài có thể gây hoại tử một phần da.

Sở dĩ sứa biển gây độc với con người là do trên cơ thể loài sứa có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây dị ứng và gây độc. Vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, và xâm nhập vào cơ thể.

Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể bạn sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  • Nếu nhẹ, nạn chân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều.
  • Ở thể nặng có thể khiến người chạm phải đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt,… có thể dẫn đến ngưng thở, hôn mê và tử vong.

Sứa "lang thang" ở bãi biển khiến nhiều du khách "gặp họa" khi đi nghỉ mát.

Đã nhiều lần thông tin cảnh báo về việc sứa biển tấn công du khách, GS.TS Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ & Chuyên môn Viện Y học biển Việt Nam cho biết, hàng năm vào dịp hè về, Viện Y học biển thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân là khách du lịch và ngư dân bị tổn thương khi tiếp xúc với sứa biển, trong đó có các loại sứa lửa.

Khác với sứa thường (dùng làm thực phẩm) chỉ gây dị ứng, ngứa thông thường sau khi bôi, uống thuốc dị ứng sẽ nhanh khỏi; sứa lửa thực sự là nỗi khiếp đảm của bà con ngư dân đi biển hay du khách nếu không may bị sứa chạm phải khi đang tắm biển.

"Khi đang bơi bỗng dưng thấy đau nhói, bỏng rát cần bình tĩnh lên bờ để rửa vết thương. Cần rửa ngay lập tức bằng nước (thậm chí bằng nước biển), nước thường, nếu kiếm được nước vôi trong thì càng tốt. Sau khi rửa liên tục vào vùng tổn thương do sứa gây ra nên chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế, đặc biệt với các vết thương nặng nên chuyển đến bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về biển" - GS.TS Nguyễn Trường Sơn chia sẻ cách sơ cứu khi gặp phải sứa lửa.

Tại Trung tâm Y học dưới nước và Oxy cao áp, Viện Y học biển Việt Nam, các bác sĩ cho hay, vào mùa du lịch có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng tại vết bỏng do sứa gây ra có khả năng gây hoại tử. Chính vì vậy, người dân tốt nhất nên tránh xa sứa biển, đặc biệt là các loại sứa có màu sắc. Với trẻ em nên mặc đồ bơi để hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm, phòng nguy cơ dị ứng nặng.

Vết thương trên cơ thể người do sứa biển gây ra khiến nhiều người lo lắng.

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, các xúc tu hay phần cơ thể của sứa có thể đốt và cuốn lấy cổ và lưng bệnh nhân giống như các trường hợp trước đây đã từng cấp cứu ở Trung tâm.

"Khi sứa đốt, nó phóng ra hàng ngàn cái gai cực nhỏ cắm vào da và giải phóng chất độc. Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da. Thông thường, vết đốt bị ngứa, rát, phỏng nước nhưng cũng có những vết đốt gây ra những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, hoặc tim đập nhanh..." - BS. Nguyên nói.

Xử trí đúng cách khi bị sứa đốt:

- Đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa một cách bình tĩnh. Khi đã lên bờ, tuyệt đối không gãi vùng bị đốt hoặc chạm tay vào vùng bị sứa đốt bởi lúc này có thể vẫn còn xúc tu cắm vào da, gãi hoặc chạm vào nó sẽ chỉ khiến bạn bị đốt nhiều hơn.

- Nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch. Rửa vùng da và che lại bằng gạc.

- Hạn chế chạm tay vào vết đốt tránh gây nhiễm trùng lan rộng vết thương.

- Tuyệt đối không dùng nước uống, nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt bởi nó có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt.

- Nên rửa vết đốt bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt. Chườm mát các vị trí tổn thương.

- Có thể uống thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Theo dõi người bị đốt nếu có những biểu hiện nặng như đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị.

Cách sơ cứu những vết thương dễ gặp phải khi du lịch do côn trùng, động vậtCách sơ cứu những vết thương dễ gặp phải khi du lịch do côn trùng, động vật

SKĐS - Rời nhà lên đường đi du lịch, tới một vùng đất mới, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề phát sinh trong đó việc bị côn trùng, thậm chí động vật cắn, đốt. Hãy tham khảo các cách xử trí với các loại vết thương thường gặp dưới đây.

Xem thêm video đang được quan tâm:

WHO cảnh báo các nước không nên xem nhẹ Covid-19


Minh Đức
Ý kiến của bạn