Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về du lịch. Từ chóp nón Hà Giang đến mũi Cà Mau có không ít cảnh đẹp, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tầm cỡ thế giới và quốc gia. Vịnh Hạ Long, cao nguyên đá Đồng Văn, rừng Cúc Phương, động Phong Nha, Đền Hùng, Thủ đô Hà Nội, Sa Pa, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt... là những cái tên quen thuộc, quyến rũ du khách trong và ngoài nước. Bờ biển dài trên 3 nghìn cây số, rộng xấp xỉ 1 triệu cây số vuông với nhiều bãi tắm tuyệt vời như Sầm Sơn, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu... tràn ngập nắng, lồng lộng gió cùng với chuỗi đảo kéo dài từ Bắc vào Nam là những địa chỉ xanh hấp dẫn của ngành công nghiệp không khói. Rồi sự đa dạng, phong phú của khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, dân tộc... ở nước ta sẽ là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho những dự tính lãng mạn về các gói du lịch độc đáo mang màu sắc vùng miền. Đó là chưa nói tới những di tích lịch sử văn hóa khá dày đặc trên dải đất mang dáng rồng bay vươn ra biển lớn này trong đó có những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO xếp hạng như tục thờ cúng Vua Hùng, quan họ, ca trù, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều đình nhà Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, cồng chiêng Tây Nguyên...

Có lẽ nhờ thế mà trong khi nền kinh tế nước nhà đang không mấy sáng sủa vào năm nay thì ngành du lịch lại hừng lên những màu sắc khá tươi tắn. Trên 6 triệu du khách nước ngoài đã vào nước ta trong năm Rồng này. Tuy vậy, vui thì vui đấy nhưng lại buồn vì những lẽ khác. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì có rất ít khách du lịch nước ngoài trở lại Việt Nam lần hai. Nó khác với Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào, có rất nhiều du khách muốn trở lại lần hai, lần ba khi đã đặt chân lên đất nước này. Vì sao vậy? Theo tôi, do chúng ta còn làm du lịch theo kiểu mì ăn liền, có nhiều biểu hiện chụp giật, à uôm, nhếch nhác... Văn hóa du lịch ở nước ta còn quá nhiều thiếu hụt, bất cập, lỗ hổng... Làm sao người ta còn muốn trở lại nước mình khi bắt gặp quá ít nụ cười của công dân chủ quốc, đi đâu cũng bị bám theo, níu tay giật áo chèo kéo bán mua bằng thứ tiếng Anh ngọng nghịu. Có lúc họ còn bị mấy chú bé lột giày dép ra để đánh xi dù không muốn, rồi thỉnh thoảng bị móc túi, cướp giật nữa chứ... Có những quán ăn và người bán hàng rong giở chiêu trò “chặt chém” giá cả với du khách nước ngoài...
Một đất nước cây cỏ xanh tươi, hoa trái sum suê bốn mùa nhưng lại nhiều bụi bặm, rác rưởi cũng làm cho khách du lịch e ngại.
Làm du lịch là làm văn hóa, vì thế nên thuyết phục, thu hút khách bằng sự lịch lãm, nồng hậu, tươi tắn trong ứng xử và hành vi của mình chứ đừng nên chỉ nhăm nhăm vào túi tiền của họ. Đón khách du lịch phải như đón bạn bè đến nhà may ra mới dành được tình cảm của họ để mong người ta còn quyến luyến khi đi và không quên để lời hẹn trở lại.
Không dễ dàng để cho mọi chuyện suôn sẻ được ngay và thường thì con sâu làm rầu nồi canh nhưng trong chiến lược phát triển ngành du lịch dài lâu ta phải chú ý sửa chữa những khiếm khuyết đã nêu trên. Lắm khi sự phiền toái gây ra bực bội cho du khách là ở trên các đường phố, chợ búa, quán xá, tàu xe... còn trong các cơ sở du lịch đàng hoàng thì tính chuyên nghiệp khá cao. Ta phải giáo dục, hướng dẫn đồng thời có biện pháp ngăn ngừa những ứng xử, hành vi làm tổn hại tới hình ảnh con người Việt Nam. Du lịch Việt Nam phải mang vẻ đẹp hồn hậu và thân thiện mới mong cuốn hút được du khách nước ngoài lâu bền. Từ chú bé đánh giày đến cô bán hàng rong... tới người hướng dẫn, nhân viên hải quan, phục vụ khách sạn... đều phải thấm nhuần điều ấy. Nếu không thì tình trạng khách đến, khách đi, khách không trở lại sẽ là một thực trạng tồi tệ với ngành công nghiệp không khói ở nước ta.
Khánh Huyền