Xoang mặt là những hốc rỗng nằm trong khối xương mặt, bố cục đối xứng hai bên. Các xoang này nằm xung quanh ổ mắt và hốc mũi, thông thương với hốc mũi qua các ngách hoặc các lỗ xoang. Do đó, khi một xoang bị viêm, bệnh có thể lây lan sang các xoang khác thành viêm đa xoang. Khi còn viêm riêng rẽ, do vị trí và cấu trúc khác nhau nên triệu chứng của mỗi loại viêm xoang có khác nhau.
Viêm xoang là một bệnh rất phổ biến ở nước ta, thường gặp sau khi bị viêm mũi, do cảm cúm, viêm họng... Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến viêm xoang: Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do vi khuẩn, virut, nấm...; viêm xoang do dị ứng thời tiết và dị ứng với các dị vật khác; có u bướu, thịt dư; vách ngăn mũi bị lệch... Nếu bị viêm xoang, muốn chữa khỏi thì phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh. Thường thì bệnh viêm xoang do dị ứng, do nhiễm khuẩn khó trị dứt điểm, vì thời tiết nước ta có nhiều biến động thất thường quanh năm, khí hậu nóng ẩm nên các vi khuẩn gây bệnh, nấm mốc... khó triệt tiêu hoàn toàn.
Khi bị viêm xoang trán, bệnh nhân sẽ có những cơn đau đặc biệt: đau trên ổ mắt, một bên và có 2 chu kỳ mỗi ngày.
Trong các thể viêm xoang thì viêm xoang trán hay gặp hơn cả (thường phối hợp với viêm xoang sàng trước). Xoang trán có vị trí cao, nằm ngay trên ổ mắt, trong chiều dày của xương trán, chỉ ngăn cách với não bởi một vách xương và thông thương với hốc mũi qua một ngách dài (còn gọi là ống trán - mũi). Đặc điểm nói trên khiến chứng viêm xoang trán có những triệu chứng khá đặc biệt, trước hết là nhức đầu (dấu hiệu tất yếu của bệnh này).
Khi bị viêm xoang trán, bệnh nhân sẽ có những cơn đau đặc biệt: cơn đau phía trên ổ mắt, một bên và có 2 chu kỳ mỗi ngày; cơn đau tăng dần từ sáng đến giữa trưa thì đạt mức tối đa, lúc đó, mũi chảy nhiều mủ, xoang vơi đi và cơn đau dịu xuống, đến chiều lại tái diễn cơn đau đó. Đôi khi kèm chảy nước mắt, mắt đưa đi đưa lại cũng đau, da vùng xoang tăng cảm giác, chỉ sờ cũng đau, ấn dây thần kinh trên hố mắt ở góc trên - trong ổ mắt cũng đau nhói. Khi bị viêm xoang, ngoài triệu chứng nghẹt mũi, chảy mủ..., người bệnh còn bị đau nhức đầu triền miên. Nhiều người còn bị đau mắt, thậm chí là mù mắt do viêm xoang (do hốc mắt được bao bọc bởi hệ thống các xoang mặt, do có những liên quan chặt chẽ về mặt cấu trúc nên những viêm nhiễm từ mũi xoang có thể gây hại đến mắt như viêm nề ổ mắt, viêm mí...
Viêm xoang trán cấp dễ dẫn tới viêm xoang trán mạn. Triệu chứng viêm xoang trán mạn: không ngạt mũi, không chảy mũi mủ hoặc nếu có cũng không nhiều, không rõ rệt. Đau nhức vùng trên hốc mắt, góc trong lông mày một bên. Đau thường âm ỉ, hay gặp vào buổi sáng khoảng 9 - 10 giờ cho đến trưa, xế chiều. Đau nhức vùng trán gây nhức đầu âm ỉ, học tập, lao động trí óc giảm; đôi khi có cảm giác sưng phồng vùng xoang trán. Chụp Xquang: tư thế Blondeau cho thấy xoang trán bị mờ so với bên lành, hốc mắt, xoang hàm; cần chụp thêm tư thế sọ nghiêng để thấy rõ được độ dày xoang, tránh trường hợp lẫn với xoang trán kém phát triển hay thiếu xoang trán một bên (cũng gây nhức đầu). Cần nhớ: trẻ em đến khoảng 10 tuổi, xoang trán mới phát triển, mới thấy được trên Xquang.
Việc điều trị bệnh sẽ tùy thuộc niêm mạc lót có tổn thương không. Nếu niêm mạc lót bị tổn thương ít sẽ điều trị bảo tồn: kháng sinh, kháng histamin, thuốc co mạch, chọc rửa xoang, vi phẫu thuật qua mũi, cắt polip, mổ vẹo vách ngăn, chữa răng. Nếu việc điều trị bảo tồn thất bại, sẽ phải điều trị tiệt căn bằng các loại thủ thuật xoang: nạo sàng qua mũi hoặc qua đường ngoài, nạo sàng hàm, mổ xoang trán, xoang bướm, mổ liên xoang, dùng phương pháp vi phẫu nhằm tái tạo lại sinh lý bình thường của xoang.
Những người bị viêm xoang nên tránh xa các dị nguyên như khói thuốc lá, mùi xăng dầu, dầu thơm, bụi bậm, lông chó, chim, mèo. Nên giữ cho không khí trong nhà, phòng ngủ được thoáng. Mùa đông nên dùng máy phun nước để cho không khí không quá khô. Không nên để cơ thể, nhất là vùng ngực và họng bị nhiễm lạnh; đeo khẩu trang khi đi ngoài đường; vệ sinh răng miệng sau bữa ăn; có chế độ ăn uống tốt.
Một trong những triệu chứng của viêm xoang là nghẹt mũi, chảy mũi, nên để dễ thở, bệnh nhân thường sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi thông thường như phinol, naphazolin, otrivin... Các thuốc này có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm sung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở; có hiệu quả trong trường hợp mũi bị viêm do lạnh, nhiễm siêu vi... niêm mạc mũi bị sung huyết, giãn mạch, phù nề và mũi sưng to. Đây chỉ là loại thuốc dùng tạm thời để chữa triệu chứng khó chịu, không phải là thuốc trị bệnh. Do vậy, chỉ được dùng thuốc trong 5 - 7 ngày, nếu dùng thuốc nhiều lần hoặc kéo dài cho dù mỗi ngày vài lần thì sau nhiều tuần dùng liên tục, thuốc sẽ giảm hiệu quả. Tai hại hơn là thuốc sẽ gây hiệu ứng ngược lại khiến tình trạng nghẹt mũi càng nặng, trở thành bệnh viêm mũi, điều trị rất khó khăn. Ngoài ra, việc dùng thuốc nhỏ mũi lâu ngày còn có thể gây viêm teo mũi, thủng vách ngăn...
BS. Nguyên Diễn