Khắc phục viêm lợi sau khi bọc răng sứ

17-07-2017 07:12 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm lợi sau khi bọc răng sứ là một tình trạng không hiếm gặp, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe răng miệng.

Viêm lợi sau khi bọc răng sứ do nhiều nguyên nhân khác nhau và do đó, cách khắc phục viêm lợi sau khi bọc răng sứ cũng khác nhau.

Nhiều nguyên nhân gây viêm lợi sau bọc răng sứ

Viêm lợi do răng sứ xâm phạm khoảng sinh học

Bình thường, lợi xung quanh cổ răng bám dính vào chân răng tạo ra một hàng rào bảo vệ, ngăn không cho vi khuẩn cũng như những tác nhân như thức ăn, nước uống tác động xuống vùng mô nha chu phía dưới gây viêm nhiễm và phá hủy tổ chức quanh răng. Khi nha sĩ không đủ tay nghề hoặc thực hiện sai kỹ thuật, dẫn tới mài quá sâu vào trong lợi sẽ dẫn tới phá vỡ khoảng sinh học, tạo điều kiện cho vi khuẩn và thức ăn xâm nhập xuống dưới gây viêm lợi và phá hủy tổ chức quanh răng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm lợi sau khi bọc răng sứ khó xử lý nhất, phức tạp và tốn kém nhất.

 Khắc phục viêm lợi sau khi bọc răng sứCắt bớt lợi để răng sứ không bị chụp lên trên lợi quá nhiều.

Do răng sứ chế tạo không chính xác

Răng chế tạo không chính xác, kích thước không chuẩn dẫn đến việc răng sứ bị hở, bị cộm, cong vênh… tạo điều kiện cho thức ăn bị nhét vào kẽ răng gây viêm lợi hoặc gây nên các bệnh lý răng miệng.

Do bệnh lý răng miệng không được điều trị triệt để trước khi bọc răng sứ

Những mầm mống vi khuẩn này còn tồn tại sẽ gây nên tình trạng bọc răng sứ bị viêm lợi.

Do vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân chính chiếm 80% tỷ lệ viêm sau bọc sứ.

Đa số chúng ta chủ quan sau khi bọc sứ cho răng và vẫn nghĩ rằng sau khi bọc sứ đã có lớp men sứ bảo vệ cùi răng nên không sợ bẩn do thức ăn mảng bám xâm nhập. Chúng ta lơ là việc chải răng kỹ sau ăn và nguy cơ cao dẫn đến viêm lợi cổ răng và răng sứ dẫn đến tình trạng viêm nướu cấp sau khi bọc chụp mão sứ.

Do cơ địa bệnh nhân bị kích ứng với chất liệu răng sứ

Điều này thường xảy ra với các loại răng sứ kim loại, răng sứ không kim loại rất hiếm gặp tình trạng này.

Những ảnh hưởng do viêm lợi sau bọc răng sứ

Viêm lợi sau khi bọc răng sứ làm cho nhiều người phải khổ sở vì ảnh hưởng mà chúng gây ra, cụ thể như:

Lợi bị sưng tấy, có màu đỏ, gây nên những cơn đau nhức khó chịu ảnh hưởng đến việc ăn uống, sinh hoạt của người bệnh;

Bọc răng sứ bị viêm lợi khiến cho răng mất thẩm mỹ, gây hơi thở hôi làm mất tự tin trong giao tiếp;

Viêm lợi sau khi bọc răng sứ nếu không khắc phục kịp thời có thể dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến nguy cơ viêm quanh răng, tiêu xương ổ răng và mất răng đồng loạt, lúc này, chức năng thẩm mỹ và ăn nhai của hàm răng không được đảm bảo.

Cách gì khắc phục?

Bạn không nên xem nhẹ tình trạng viêm lợi sau khi bọc răng sứ mà cần tìm cách khắc phục ngay để đảm bảo răng sứ đẹp, sức khỏe răng miệng cũng không bị ảnh hưởng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp để khắc phục vấn đề viêm lợi sau khi bọc răng sứ.

Cắt lợi

Áp dụng cho các trường hợp viêm lợi kéo dài dẫn đến tình trạng tiêu xương ổ răng. Bác sĩ sẽ làm sạch những phần lợi bị viêm sau đó cắt bớt một phần lợi, mục đích là để cho lợi không bị răng sứ chụp lên trên quá nhiều.

Phẫu thuật ghép lợi

Trong những trường hợp trầm trọng hơn, khoảng sinh học bị phá vỡ quá nhiều bắt buộc sẽ phải phá bỏ răng sứ cũ, sau đó tiến hành tiểu phẫu để di dời, tái lập khoảng sinh học, rồi chờ ổn định (khoảng 20 - 30 ngày) mới làm lại răng sứ khác.

Bọc lại răng để điều trị bọc răng sứ bị viêm lợi

Răng sứ sau khi làm lại sẽ khít với cùi răng, không làm cho lợi bị ảnh hưởng, lợi không bị viêm nhiễm.

Chăm sóc răng nướu răng thật kỹ

Chải răng ngày 3 lần sau mỗi bữa ăn vào các ngóc ngách của răng. Chải răng sau khi ăn 15 phút, thời gian mỗi lần chải răng nên trong khoảng từ 3 - 5 phút, chải từ trong ra ngoài, nên sử dụng bàn chải có độ cứng vừa phải hoặc bàn chải mềm để không xước lợi và đánh bật các vi khuẩn có hại cho nướu răng. Sau khi chải răng, nên súc miệng các dung dịch sát khuẩn để giảm số lượng vi khuẩn có trong miệng và các kẽ răng. Nếu có thức ăn dắt ở kẽ răng thì nên sử dụng chỉ nha khoa để lấy ra.


BS. Đàm Thu Vân
Ý kiến của bạn