Khắc phục triệu chứng bệnh nứt kẽ hậu môn

28-12-2016 08:34 | Bệnh thường gặp
google news

Tình trạng đi đại tiện vừa đau kèm theo chảy máu, thì bạn đã gặp phải bệnh nứt kẽ hậu môn.

Câu hỏi: Cháu chào các y Bác sĩ, Cháu là nam, năm nay 25 tuổi. Cháu bị nứt hậu môn và hay tái đi tái lại nhiều lần. Cháu có điều trị nội khoa thì đi ngoài không còn đau và chảy máu. Tuy nhiên, cứ dừng thuốc 2 tuần thì cháu lại bị tái lại, do phân to và hơi khô (cháu không bị táo bón, đi ngoài 4 - 5 lần/tuần). Cháu tham khảo thì đa số các trường hợp nứt hậu môn (80 - 90%) sẽ tự lành. Sao cháu mãi vẫn không lành vậy nhỉ. Cháu cảm thấy hoang mang và lo lắng lắm. Các y Bác sĩ cho cháu lời khuyên, cháu nên làm gì để bệnh hết hẳn như người bình thường. Cháu cảm ơn các y Bác sĩ.

Trả lời:

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

Điều trị nứt hậu môn có những phương pháp sau:

1. Điều trị không phẫu thuật: Đây là cách điều trị căn bản áp dụng cho mọi vết nứt hậu môn nhằm lọai bỏ những tác nhân gây bệnh và giúp tăng cường máu nuôi đến niêm mạc tổn thương. Phương pháp này có thể làm lành đến 90% các vết nứt cấp tính.

Chống táo bón hay làm mềm phân giúp lọai bỏ được tác nhân gây bệnh. Bệnh nhân phải uống thật nhiều nước (hơn 2 lít/ ngày) và tăng cường các chất xơ trong bữa ăn: như rau cải, đậu, trái,… Uống nhiều nước quan trọng vì nước làm phân mềm nhão nên không thể gây tổn thương hậu môn và cũng tránh tái phát. Ngòai ra Bác sĩ cũng có thể kê một số thuốc làm mềm phân để làm giảm triệu chứng đau và chảy máu. Ngâm hậu môn nước ấm (40 độ C) 10 – 20 phút, 3 - 4 lần ngày, giúp làm giãn cơ vòng, tăng tưới máu, giảm đau và làm bệnh nhân dễ chịu hơn. Có thể chườm nóng vùng hậu môn, nhưng cẩn thận không để phỏng da.

Bác sĩ có thể kê thêm 1 số lọai thuốc mỡ thoa tại chổ thuộc nhóm Nitroglycerin hay ức chế  canci giúp làm giãn cơ vòng trong và tăng tưới máu vùng nứt, liệu pháp này có thể giúp lành bệnh với tỷ lệ từ 65% - 90%. Tuy nhiên các tác dụng phụ của thuốc trên như nhức đầu, bốc hỏa đỏ mặt, tụt huyết áp…làm bệnh nhân không thể tiếp tục với liều điều trị kéo dài nhiều tuần. Một phương cách khác cũng được áp dụng là chích độc tố Botilinum (Botox) vào cơ vòng trong gây dãn cơ vòng trong khỏang 2 - 3 tháng, vết nứt mãn tính có thể lành đến 60 - 80% các trường hợp, chi phí chích Botox rất cao và cũng hay tái phát.

Khi những điều chỉnh lối sống trên và những phương cách điều trị trên vẫn không làm lành, vết nứt cấp tính có thể chuyển thành mãn tính. Lúc này cần xác định thêm nguyên nhân gây bệnh khác như viêm nhiễm trùng, thăm khám hậu môn dưới gây mê hay tê, đo trương lực cơ vòng trong để  xác định tình trạng tăng trương lực. Phẫu thuật là lựa chọn sau cùng để điều trị vết nứt mãn tính không đáp ứng điều trị bảo tồn.

2. Điều trị phẫu thuật: Điều trị nội khoa có những ưu điểm như có thể có thể lập lại nhiều lần, phối hợp nhiều nhóm thuốc với nhau để gia tăng hiệu quả, ít biến chứng. Tuy phẫu thuật có thể được xem là tiêu chuẩn vàng nhưng được áp dụng hơn là điều trị bảo tồn nội khoa vì nguy cơ xảy ra biến chứng trung tiện đại tiện không kiểm sóat (5 - 15%).

Phẫu thuật đơn giản là cắt 1 phần bên cơ vòng trong ống hậu môn (thực hiện dưới gây tê) giúp giảm đau, giãn cơ và lành vết mổ. Bệnh nhân có thể ra viện ngày hôm sau, giảm đau sau mổ vài ngày và lành hẳn vết nứt sau vài tuần. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật lên đến 90%. Thất bại hay tái phát  có thể  là do cắt cơ vòng không đủ, trường hợp này có thể thực hiện phẫu thuật lại bằng cách cắt bên kia. Nếu cắt nhiều cơ vòng quá thì nguy cơ mất tự chủ trung đại tiện.

Bạn có thể đến các bệnh viện đa khoa uy tín để khám chuyên khoa Tiêu hóa và tư vấn cụ thể hơn về biện pháp điều trị phù hợp nhé.

Chúc bạn sức khỏe!


BS. Nguyễn Thị Hòa
Ý kiến của bạn