Hà Nội

Khắc phục tình trạng “lệ thuộc” thuốc an thần

01-06-2017 19:03 | Dược
google news

SKĐS - Thuốc an thần và thuốc ngủ (gọi chung là thuốc an thần) là những nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương có chung một tác dụng là gây ngủ...

Thuốc an thần và thuốc ngủ (gọi chung là thuốc an thần) là những nhóm thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương có chung một tác dụng là gây ngủ, thường được dùng trong điều trị mất ngủ, nhưng nhược điểm chung của các thuốc này là gây ra nghiện, khiến người dùng phải ‘lệ thuộc” vào thuốc. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Sử dụng các biện pháp không dùng thuốc

Mất ngủ rất khó chịu, đó là điều đương nhiên. Nhưng đừng hễ mất ngủ thì bạn đi tìm đến với thuốc an thần ngay mà cần phải điều chỉnh cách sinh hoạt của mình sao cho hợp lý trước khi cầu cứu sự hỗ trợ của thuốc. Bởi có một số chứng mất ngủ không là bệnh mà chỉ là một rối loạn thông thường do sự ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai. Điều bạn cần là tìm và điều chỉnh các yếu tố này trả lại không gian cho giấc ngủ của bạn.

Dùng thuốc trị mất ngủ phải do bác sĩ chỉ định.

Các yếu tố bao gồm: thời gian ngủ đã đúng chưa, không gian ngủ đã phù hợp chưa, tiếng ồn đã được lọc bỏ chưa, không khí có đủ thoáng không, dinh dưỡng cho giấc ngủ có phù hợp không, các yếu tố tâm lý... Đó là các yếu tố làm thay đổi tới thời lượng giấc ngủ của bạn.

Điều trị bệnh có liên quan

Sau khi đã điều chỉnh các yếu tố ngoại lai trên, bạn vẫn chưa thể quay trở lại giấc ngủ thì bạn cần xem lại cơ thể bạn có bệnh gì ảnh hưởng tới giấc ngủ không. Cần biết có một số bệnh làm bạn rất khó ngủ và làm bạn dễ tỉnh giữa đêm. Chỉ cần bạn điều trị các bệnh này thì tức khắc, giấc ngủ sẽ tự tìm đến với bạn.

Các bệnh có liên quan chặt chẽ như bệnh viêm loét dạ dày, bệnh viêm đường hô hấp, bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh ngoài da, bệnh suy nhược thần kinh, bệnh viêm khớp, bệnh hen phế quản, bệnh u xơ tiền liệt tuyến, tình trạng mãn kinh ở nữ giới. Khám và điều trị các bệnh này ngay sẽ ngủ say dễ dàng trở lại.

Dùng thuốc thảo dược trước

Sau khi đã loại trừ tất cả các bệnh có liên quan, giấc ngủ vẫn chưa hoàn hảo, thì bạn cũng đừng dùng thuốc ngủ ngay. Bạn chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Đầu tiên, bạn hãy dùng các loại thảo dược có tính an thần nhẹ nhàng cho bạn. Những loại thảo dược này không có hoạt tính gây nghiện trên hệ thần kinh trung ương nhưng lại có hiệu quả làm ru ngủ não bộ tự nhiên. Chúng bao gồm rễ đinh lăng, rễ củ bình vôi, tâm sen, táo nhân, cúc hoa, hồng hoa, hoa bách hợp... Dùng thảo dược sẽ tạo đà cho an thần kinh, làm hệ thần kinh khắc phục mọi rắc rối và làm bình ổn những ổ hưng phấn bình thường, trả lại sự ổn định cho giấc ngủ của bạn.

Bạn sẽ chỉ cần dùng thuốc ngủ khi bạn ngủ được dưới 4 giờ trong 1 ngày, bất kể đó là giấc ngủ ngày hay giấc ngủ đêm. Những giờ này là giờ thức thực sự. Tình trạng này kéo dài liên tiếp 3 ngày, đã điều chỉnh nhưng không khắc phục được. Thì đó mới là thời điểm cần dùng thuốc.

Chỉ dùng thuốc an thần ngắn ngày

Thuốc an thần có đặc điểm là chỉ dùng trong một đợt ngắn ngày. Khi hệ thần kinh đã được “mồi” để giấc ngủ trở lại, bạn cần dừng thuốc ngay. Vì nếu cứ dùng tiếp, chúng lại chuyển sang tác hại gây nghiện hơn là tác dụng gây ngủ.

Thời gian dùng thuốc ngủ không được quá 7 ngày. Nếu dùng quá, bạn sẽ lệ thuộc. Nếu dùng liên tiếp trong 3 tuần, bạn sẽ rất dễ trở nên “lệ thuộc” vào thuốc. Nếu dùng liên tiếp quá 1 tháng, bạn sẽ không thể ngủ được nếu thiếu thuốc.

Cần có liệu trình giảm thuốc

Nếu lỡ chẳng may bạn bị nghiện thuốc, sẽ có chiến lược dành riêng cho bạn. Bạn có thể sẽ được dùng liều cao hơn để dập tắt tất cả ổ hưng phấn bất thường sau đó giảm liều dần, nhưng cũng có khi được giảm liều luôn. Bạn cần nhớ, phải giảm liều dần dần để trở về mức ban đầu. Nếu bạn đang dùng liều 2 viên thì bạn cần giảm xuống 1 viên, duy trì trong 2 ngày ở liều này. Sau đó tiến tới thay thế bằng các thảo dược an thần và ngừng hẳn.

Nếu bạn đột ngột dừng thuốc sẽ bị phản ứng ngược tác động. Khi đó, bạn không những không ngủ được mà còn bị lệ thuộc vào thuốc nặng nề hơn.

Một số thuốc thông thường có tác dụng gây ngủ hoặc mơ màng:

Thuốc ngủ: valium, stinox, gardenal; Thuốc an thần: aminazin, haloperidol, dogmatil, risperidon; Thuốc bình thần: valium, stilnox (vừa là an thần, vừa là thuốc ngủ), atarax; Thuốc chống dị ứng: clopheniramin, cetirizin; Thuốc chống nôn: vomina, nautamin.

BS. Yên Lâm Phúc

 


Ý kiến của bạn