Khắc phục tình trạng đổ mồ hôi chân tay khi trời lạnh

28-12-2024 11:01 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Đổ mồ hôi khi trời nóng thì có thể là bình thường, mồ hôi tiết ra sẽ giúp làm mát cơ thể và điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, khi thời tiết lạnh mà lòng bàn tay, bàn chân đổ mồ hôi khiến nhiều người lo lắng không biết do bệnh gì, cách khắc phục ra sao?

Nguyên nhân khiến chân tay ra mồ hôi khi trời lạnh

Thời tiết lạnh mà lòng bàn tay, bàn chân vẫn đổ mồ hôi có thể là dấu hiệu bất thường liên quan đến một số tình trạng sức khỏe sau:

  • Do hạ đường huyết, tụt huyết áp: chân tay ra mồ hôi khi trời lạnh có thể do hạ đường huyết hoặc tụt huyết áp, lý do là sự sụt giảm đột ngột của lượng đường trong máu và huyết áp có thể gây ra tình trạng vã mồ hôi lạnh, chóng mặt, buồn nôn, mệt lả…
  • Do rối loạn lo âu: đổ mồ hôi nhiều, lạnh, tê hoặc ngứa ran ở tay chân, luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, bất an, khó ngủ, tim đập nhanh, thở nhanh… là những triệu chứng điển hình khi bị rối loạn lo âu.
Tăng tiết mồ hôi có liên quan đến mùi mồ hôi bất thường , mồ hôi quá nhiều.

Những người bị cường giáp, tiểu đường... thường xuyên bị đổ mồ hôi chân tay.

  • Do nhiễm trùng: chân tay ra mồ hôi khi trời lạnh có thể là dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng bên trong cơ thể như bệnh lao, viêm tủy xương, viêm cơ tim, HIV/AIDS, cảm cúm, viêm phổi…
  • Do rối loạn thần kinh thực vật: là nguyên nhân phổ biến nhất do nhánh giao cảm thuộc hệ thần kinh thực vật đảm nhận chức năng điều khiển bài tiết mồ hôi bị hưng phấn quá mức, hậu quả là các tuyến mồ hôi ở tay chân bị kích thích liên tục và tiết mồ hôi mất kiểm soát. Bệnh có tính chất di truyền, thường xuất hiện từ nhỏ, kéo dài đến trưởng thành mà không giảm.
  • Do bệnh nội tiết: ở những người bị cường giáp, tiểu đường hoặc bị rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn dục cũng thường xuyên bị đổ mồ hôi nhiều, không chỉ ở tay chân mà còn trên toàn cơ thể kèm theo các triệu chứng khác đặc trưng cho mỗi bệnh.

Cách khắc phục tình trạng chân tay đổ mồ hôi khi trời lạnh

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà chứng bệnh đổ mồ hôi này sẽ có những cách điều trị khác nhau. Đối với chứng thứ phát, người bệnh cần phải được điều trị dứt điểm những bệnh lý hiện đang mắc phải.

Để cải thiện tình trạng ra mồ hôi tay chân khi trời lạnh, có thể áp dụng cách đơn giản sau:

  • Ngâm tay chân với gừng

Đập dập 1 củ gừng tươi, bỏ vào nồi nước, thêm 1 thìa muối trắng, đun sôi khoảng 10 phút rồi đổ ra chậu, pha thêm nước để nhiệt độ vừa đủ ấm, sau đó ngâm tay chân khoảng 20 – 30 phút. Tinh dầu và các chất cay trong gừng sẽ làm ấm tay chân, khử mùi kết hợp với tác dụng săn da của muối sẽ giúp giảm mồ hôi tốt hơn.

  • Sử dụng lá ngải cứu

Cho lá ngải cứu tươi vào chảo, đun đến khi có hơi nóng bốc lên thì hơ tay chân trên làn hơi này trong 5 phút, khi lá ngải cứu còn ấm thì chườm tiếp vào hai lòng bàn tay và bàn chân. Tinh dầu ngải cứu có tác dụng tăng cường lưu thông máu, cải thiện chứng đổ mồ hôi và lạnh tay chân rất tốt.

  • Sử dụng lá lốt

Đun sôi cây lá lốt với một chút muối trong 15 phút, sau đó đổ ra chậu sạch, phủ một tấm vải màn sạch lên rồi xông hơi tay chân. Khi hết hơi nóng thì tiếp tục ngâm tay chân khoảng 30 phút. Lá lốt có vị cay, tính ấm giúp tiêu trừ hàn thấp nên rất thích hợp cho người bị phong thấp ra mồ hôi tay chân khi trời lạnh.

Khắc phục tình trạng đổ mồ hôi chân tay khi trời lạnh- Ảnh 2.

Tinh dầu và các chất cay trong gừng sẽ làm ấm tay chân.

  • Sử dụng tinh dầu

Nhỏ vài giọt tinh dầu quế, bạc hà, bạch đàn, oải hương, tràm, lá xô thơm… vào nước ấm, sau đó ngâm tay chân khoảng 20 – 30 phút. Tinh dầu có tác dụng khử mùi, làm ấm, giảm tiết mồ hôi ở tay chân, và thúc đẩy lưu thông máu nên thực hiện hằng ngày vào buổi tối sẽ giúp ngủ ngon giấc hơn.

  • Trà xanh

Đun sôi lá trà xanh và ngâm tay chân 15 – 30 phút, áp dụng 1 lần/ngày. Chất tanin trong lá trà là hoạt chất làm săn da tự nhiên, có tác dụng se nhỏ lỗ chân lông, nhờ đó hạn chế ra mồ hôi tay chân.

Lưu ý, cần hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, đồ uống chứa caffein. Tránh ăn đồ ăn cay nóng, hạn chế sử dụng các loại gia vị nóng như ớt, tiêu, tỏi... Luôn giữ tinh thần thư giãn thoải mái, không nên căng thẳng và thức khuya.

Uống đủ nước từ 1.5 – 2 lít/ngày, tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi. Nên đi dép, sandal hoặc giày vải, giày hở mũi để cho bàn chân được thông thoáng. Tránh đi giày chật, giày nhựa tổng hợp gây bí chân. Lựa chọn tất có chất liệu cotton, sợi thấm mồ hôi tốt và thay tất hằng ngày.

Tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịTăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý với đặc trưng là tình trạng tiết mồ hôi quá mức, thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay, bàn chân, nách, hoặc khuôn mặt. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người mắc.



BS. Nguyễn Thị Mai Anh
Ý kiến của bạn
Tags: