Nguyễn Thúy Liên (thuylien@gmail.com)
Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và có thai là đối tượng hay bị thiếu máu nhất, do có một lượng sắt của người mẹ mất trong thời kỳ sinh nở. Khi mang thai, lượng sắt lại cần thêm cho sự phát triển thai nhi và tăng thể tích máu ở người mẹ. Trường hợp của bạn có thể đã có thiếu máu từ trước khi mang thai do đặc điểm chung của nữ giới là lượng sắt mất thêm theo kinh nguyệt, nhất là những người bị cường kinh; cũng có thể do ăn uống thiếu dinh dưỡng hoặc bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột như nhiễm giun, nhất là giun đũa, giun móc. Bên cạnh đó, do nghén nặng và kéo dài dẫn đến ăn uống kém cũng là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt. Hơn nữa, chất sắt phân bố không đều trong thực phẩm và tỷ lệ hấp thu rất khác nhau. Thực phẩm nguồn gốc thực vật nói chung giàu chất sắt và có tỷ lệ hấp thu cao. Trong các thực phẩm thực vật, các loại đậu đỗ có nhiều chất sắt và tỷ lệ hấp thu cũng tương đối cao, còn các loại lương thực (gạo, ngô, khoai, sắn...) đều nghèo chất sắt và tỷ lệ hấp thu thấp. Các loại rau xanh và quả cung cấp một ít chất sắt, nhưng chủ yếu là có nhiều vitamin C cần thiết cho sự hấp thu sắt. Do đó, để khắc phục tình trạng thiếu máu thiếu sắt, cần ăn uống đa dạng, ăn tăng thêm các thức ăn giàu sắt như thịt, nhất là thịt đỏ (thịt bò, gan, tiết...), cá, trứng, đậu đỗ. Đồng thời chú ý ăn rau màu xanh đậm và các loại quả chín giàu vitamin C hỗ trợ hấp thu sắt như cam, quýt, xoài, ổi...) và uống viên sắt trong suốt thai kỳ.