Hà Nội

Khắc phục tật nói lắp

19-04-2014 06:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Tật nói lắp là một chứng rối loạn trong các diễn đạt lời nói. Nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi trưởng thành vẫn mắc tật nói lắp.

Tật nói lắp là một chứng rối loạn trong các diễn đạt lời nói. Nói lắp là điều bình thường ở trẻ từ 2-3 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ nói lắp không được trị liệu thì khi trưởng thành vẫn mắc tật nói lắp. Tuy không phải là bệnh nhưng nói lắp thường đưa lại nhiều phiền phức, ức chế và khổ tâm cho người mắc. Vì nói năng khó khăn nên họ dần trở nên cô độc, co mình lại, xấu hổ và mặc cảm.

Giúp con khắc phục tật nói lắp
Giúp con khắc phục tật nói lắp

Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ, trong đó sự ấp úng khi nói khiến các từ phát ra chậm, kéo dài hoặc các từ được lặp đi, lặp lại. Nói lắp thường gặp ở các bạn nam nhiều hơn các bạn nữ, ở người thuận tay trái nhiều hơn người thuận tay phải.

Nói lắp có nhiều dạng, có thể xảy ra cùng lúc trong một câu: Ngập ngừng im lặng hồi lâu trước khi bắt đầu câu nói. Câu nói bị đứt quãng nhiều lần. Lặp lại một chữ nhiều lần. Kéo dài một âm lâu như để chờ chuẩn bị âm kế tiếp.

Khi chúng ta nói, có những kích thích tác động vào các bộ phận cảm thụ của lưỡi, môi, má và thanh quản. Các kích thích đó theo cơ quan phân tích lời nói đến vùng phân tích vận động của lời nói. Khi các bộ phận này không phối hợp được thật tốt với nhau thì lời nói phát ra sẽ khó khăn và sinh ra tật nói lắp. Người mắc tật này mặc dù biết rõ mình muốn nói câu gì nhưng khi phát âm thường phải lặp lại các âm nhiều lần hay kéo dài một âm lâu trước khi phát ra tiếng kế tiếp. Hiện tượng nói lắp thường hay gặp phải ở những người nói nhanh hay bị vấp.

Ngoài việc khó thốt ra lời khi căng thẳng, phải gắng sức để nói, bối rối, lo lắng... khi nói, những người nói lắp còn bị tinh thần gấp gáp, có khi lắc đầu, khoa chân, múa tay, trừng mắt, méo miệng, môi run, nói một câu phải tốn rất nhiều sức. Đặc biệt, khi bị người khác cười đùa, họ càng tỏ ra căng thẳng, nói không ra lời.

Nguyên nhân gây nói lắp

Về nguyên nhân nói lắp còn chưa rõ ràng, bởi vậy đã có nhiều giả thuyết về vấn đề này như:

Do chấn thương sơ sinh: Với trường hợp sinh khó phải dùng forceps cặp vào đầu thai nhi để lôi ra khỏi bụng mẹ hoặc với trẻ nhỏ bị ngã va đầu vào vật cứng gây tổn thương vùng ngôn ngữ Broca sẽ có ảnh hưởng nhất định lên khả năng ngôn ngữ.

Do mắc bệnh: Cũng có nghi vấn cho rằng khi thai nghén, sản phụ mắc một bệnh nào đó có thể truyền được cho thai và bệnh đó đã gây tổn thương cho não trong đó có vùng ngôn ngữ của thai nhi. Hoặc trẻ nhỏ mắc phải một bệnh ở não hoặc màng não (như viêm não, viêm màng não), sau khi điều trị khỏi đã để lại di chứng ở vùng ngôn ngữ. Sau khi bị các bệnh truyền nhiễm như cảm, ho gà... chức năng vỏ đại não bị giảm yếu, tinh thần dễ bị kích thích dẫn đến căng thẳng quá mức, gây nói lắp.

Sang chấn tâm lý: Nhiều ý kiến của các nhà khoa học lại cho rằng do khủng hoảng tình cảm, một cú sốc tâm lý hoặc một chuyện nào đó thời thơ ấu xảy ra có khả năng làm cho trẻ mắc tật nói lắp. Những dị tật tâm lý xã hội này theo thời gian trở thành thói quen.

Do di truyền và bắt chước: Tật nói lắp thường có tính di truyền, người ta nhận thấy trong gia đình có nhiều người nói lắp thì khả năng nói lắp của con cháu họ rất cao. Bắt chước người khác nói lắp hoặc thường xuyên tiếp xúc với những người nói lắp nên tiếp thu phải những ám thị không tốt, tự mình dần dần cũng biến thành nói lắp.

Đoạn tách rời trên vỏ não ngăn tín hiệu lưu thông: Ở những người nói lắp có những đoạn tách rời vỏ não ngăn những tín hiệu lưu thông bình thường giữa các khu vực trong vùng kiểm soát ngôn ngữ, hậu quả là nói lắp, không thể nói chuyện lưu loát.

Khắc phục tật nói lắp

Nên khắc phục tật nói lắp khi còn nhỏ càng sớm càng tốt. Cha mẹ có thể giúp trẻ bằng các cách: Dành một khoảng thời gian riêng tư mỗi ngày bên trẻ trong một không khí thực sự thoải mái, bình tĩnh và thư thả. Nói chậm và từ tốn khi nói chuyện với bé sẽ giúp bé dễ bắt kịp và hiểu những gì bạn nói. Kiên nhẫn lắng nghe con nói, không lên giọng dạy bảo trẻ nói thế nào. Cố gắng hiểu trẻ muốn nói gì. Để cho con hoàn thành câu nói của nó, không làm con bị gián đoạn câu nói. Nhìn thẳng vào mắt khi con đang nói. Đừng giành nói trước câu nói hay suy nghĩ của con. Hãy để cho chính trẻ tự nói lên. Chờ đợi con nói xong khi đó mới trả lời. Không bao giờ trả lời trước khi con chưa nói xong. Điều này giúp cho con bạn bình tĩnh, chậm rãi khi phát biểu. Nên tập cho con thói quen nói năng rõ ràng, lưu loát ngay từ khi còn nhỏ.

Ở người trưởng thành, muốn bỏ được tật nói lắp:

Trước hết phải xóa bỏ trở ngại về tâm lý. Nếu xem nói lắp là vấn đề quá nghiêm trọng thì trở ngại tâm lý sẽ tăng lên và lại càng nói lắp. Đừng căng thẳng khi chuẩn bị nói hay luôn có mặc cảm mình bị nói lắp. Người nói lắp phải tự tin, dám mạnh dạn thể hiện mình, cố ý nói chuyện ở chỗ đông người để cho sự căng thẳng tâm lý giảm đi. Sự tập trung tinh thần vào tiết tấu và âm luật sẽ khiến bệnh nhân chuyển được sự chú ý đối với động tác phát âm, dần dần sẽ nói tự nhiên hơn. Người nói lắp cần rèn tốc độ phát âm và nói phải chậm, tâm lý thật bình tĩnh khi nói, có thể chia lời nói thành các ý đơn giản, mỗi ý nói một lần, câu nói phải nối với nhau.

Đứng trước gương tập nói hay thường xuyên nói chuyện cùng với những người thân của mình là một trong những cách đem lại hiệu quả trong trị tật nói lắp. Nhưng lưu ý là phải luyện tập đều đặn, kiên trì hằng ngày. Ngoài ra cũng cần kết hợp thêm với việc luyện tập thể dục thể thao và tập thở. Mỗi ngày nên tập đọc thành tiếng một bài báo. Tốc độ đọc từ chỗ chậm rãi, sau tăng dần và tiến tới đọc trơn tru, lưu loát. Nếu kiên nhẫn duy trì luyện tập đọc được thường xuyên thì kết quả sẽ rất tốt. 

BS. Nguyệt Minh

 

 


Ý kiến của bạn