Khắc phục tác dụng phụ của corticoid cách gì

04-08-2015 15:25 | Dược
google news

SKĐS - Corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên nó cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm.

Corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên nó cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm. Dẫu thầy thuốc đã thường xuyên cảnh báo nhưng nhiều người vẫn tự ý mua thuốc chứa corticoid về điều trị dẫn đến những tai biến hết sức nặng nề.

Corticoid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới trong nhiều năm qua. Thuốc được sử dụng chữa bệnh dưới các dạng tiêm truyền, uống, bôi ngoài da, xịt, hít hoặc tra mắt... Tuy nhiên, corticoid được coi là con dao hai lưỡi (tác dụng tốt và xấu) đối với người sử dụng cho nên cần sử dụng theo đơn của bác sĩ.

Trẻ bị phù do lạm dụng corticoid.

Corticoid là gì và tác dụng của nó như thế nào?

Corticoid là một nội tiết tố do tuyến thượng thận tiết ra và đi vào máu, có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, giảm đau và ức chế miễn dịch...Vì vậy, corticoid thường được sử dụng trong điều trị các bệnh như sốc phản vệ, mề đay, phù do dị ứng; bệnh hen suyễn (ở trẻ em là bệnh viêm phế quản co thắt hay còn gọi là hen phế quản); bệnh ngoài da (chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng, mề đay); bệnh khớp (viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, đau nhức khớp); bệnh về thận (hội chứng thận hư); một số bệnh ác tính (bệnh bạch cầu cấp, ung thư thực quản,...), bệnh xuất huyết do giảm tiểu cầu và bệnh tán huyết miễn dịch. Corticoid có thể dùng để điều trị với các bệnh suy tuyến thượng thận cấp hoặc mạn tính.

Tác dụng không mong muốn khi sử dụng corticoid

Với corticoid nếu được dùng đúng chỉ định, liều lượng và thời gian, các thuốc corticoid có thể góp phần cứu sống người bệnh với rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, tuy vậy, khi dùng sai chỉ định hoặc tự mua thuốc để dùng hoặc vì lợi ích cá nhân một số người đã trộn corticoid vào thuốc nam, đông dược để đánh lừa người bệnh gây nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng.

Trong thực tế, nếu dùng corticoid liều cao, kéo dài, không có kế hoạch giảm liều thích hợp và không có những biện pháp hỗ trợ điều trị để giảm bớt các độc tính của thuốc, corticoid có thể gây ra nhiều tai biến nguy hiểm cho người bệnh. Thuốc còn gây giữ muối, giữ nước trong cơ thể làm tăng cân, gây phù. Mặt khác, khi điều trị, nếu không theo chỉ định của bác sĩ, corticoid được dùng liên tục quá 15 ngày hoặc bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm, với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải... Không chỉ có nguy cơ gây ra các tai biến do độc tính của thuốc, việc lạm dụng corticoid không đúng chỉ định còn có thể khiến người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc, bệnh thường bùng lên mạnh mẽ mỗi khi không có thuốc sử dụng. Theo các nghiên cứu, tác dụng phụ của corticoid tùy thuộc vào đường sử dụng, liều lượng. Khi sử dụng theo đường hít, nếu dùng trong một thời gian ngắn, đúng liều, hầu hết có thể đáp ứng tốt với thuốc, có rất ít tác dụng phụ hoặc thậm chí là không có. Tuy vậy, nếu sử dụng dạng hít trong thời gian dài như trong bệnh hen suyễn (seretid, symbicort,...), có thể gây “tưa miệng” (nhiễm nấm ở khoang miệng) hoặc trong thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp có thể gây loãng xương, hư khớp. Với đường tiêm corticoid, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể gây ra tác dụng phụ như kích thích dạ dày gây khó tiêu, buồn nôn, thậm chí gây loét dạ dày, chảy máu dạ dày (nếu có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng) hoặc gây nhịp tim nhanh hoặc làm rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn, hay tỉnh giấc,...). Nếu sử dụng corticoid theo đường uống (prednisolon, dexa), dùng trong thời gian ngắn có thể gây thèm ăn (tăng cân), mụn trứng cá, mọc râu (râu rậm), tính tình thay đổi (hay cáu gắt), làm tăng đường huyết hoặc làm cho bệnh đái tháo đường nặng thêm, nếu người bệnh đang mắc chứng bệnh này. Ngoài ra, thuốc có thể gây yếu cơ, loãng xương, chậm lớn (trẻ em), tăng nguy cơ nhiễm khuẩn (lao tiến triển, nấm da,...), gây hội chứng Cushing, tức là mệt mỏi, cơ yếu, khuôn mặt đỏ và tròn, màu tím trên da bụng, da mỏng, trầm cảm, cáu gắt, lông tóc dày, kinh nguyệt không đều (ở nữ), liệt dương (ở nam).

Theo Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân đến khám với hàng loạt các biến chứng nguy hiểm do quá liều corticoid như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm khuẩn cơ hội, chậm phát triển thể chất ở trẻ em do sử dụng bừa bãi corticoid không theo chỉ định của bác sĩ.

Biện pháp khắc phục

Trước hết phải khẳng định corticoid không phải là thuốc chữa bách bệnh. Corticoid chỉ có tác dụng với một số bệnh nhất định và khi sử dụng chúng có thể có một số tác dụng không mong muốn xảy ra (tác dụng phụ), đặc biệt là khi sử dụng một cách tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ, vì đây là một loại thuốc phải dùng theo đơn. Vì vậy, để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc corticoid, mọi người cần tuân theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để điều trị cho mình hoặc cho người nhà của mình khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi đã có đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh, cần tuân thủ liều sử dụng, không được tăng liều hoặc giảm liều và cần nghe theo tư vấn dùng thuốc của bác sĩ, ví dụ, dùng sau khi ăn no hoặc súc miệng sau khi hít thuốc (với người hen suyễn để tránh bị tưa lưỡi do nhiễm nấm).

TTƯT. PGS. TS. Bùi Khắc Hậu

 

 


Ý kiến của bạn