Khắc phục say tàu xe

18-01-2012 08:12 | Tin nóng y tế

Say tàu xe là hiện tượng không hiếm gặp với các biểu hiện dễ nhận biết như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, mặt mũi tái xanh, sau chuyến đi có thể bị ốm.

Tôi công tác xa nhà nên mỗi lần về quê đều khiến tôi rất sợ vì say tàu xe. Mỗi lần say xe như thế tôi lại nằm bệt mất mấy ngày. Hiện nay, Tết đã gần kề, tôi rất mong quý báo cho lời khuyên tôi nên làm thế nào để không bị say tàu xe để tôi được đón Tết vui vẻ cùng gia đình?

Nguyễn Mai Hoa(Đà Nẵng)

 Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Say tàu xe là hiện tượng không hiếm gặp với các biểu hiện dễ nhận biết như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, mặt mũi tái xanh, sau chuyến đi có thể bị ốm. Nguyên nhân của say tàu xe là sự kém thích ứng của tiền đình (ở tai trong) với sự thay đổi vị trí của cơ thể một cách không có quy tắc (sự tròng trành, thay đổi phương hướng, tốc độ của phương tiện giao thông). Người thích ứng tốt thì không sao nhưng với những người có cơ quan tiền đình quá mẫn cảm, kém thích ứng thì hiện tượng say tàu xe sẽ diễn ra.
 
Tuy nhiên, nhiều trường hợp say xe không phải do tiền đình mà do ăn quá no, quá đói, mệt mỏi, bực bội, mất ngủ, không khí ô nhiễm. Do vậy, để khắc phục hiện tượng say xe do tiền đình cần một thời gian nhất định để luyện tập như ngồi tàu, xe nhiều lần để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với vận động không có quy tắc. Những người không có cơ hội đi tàu, xe nhiều thì có thể rèn luyện thể lực thường xuyên (tập các môn xà đơn, xà kép, nhào lộn trên đệm, cầu trượt…) cũng có tác dụng hỗ trợ cho việc điều tiết thăng bằng vị trí của cơ thể.
 
Nếu nguyên nhân say tàu xe không phải do tiền đình thì bạn có thể khắc phục ngay bằng cách không ăn quá no cũng không để quá đói, nên lựa chọn phương tiện giao thông có chất lượng tốt, vệ sinh sạch sẽ, ngửi một số mùi dễ chịu như cà phê, gừng… nếu bạn quá mẫn cảm với mùi xăng xe, mùi mồ hôi…, khi bước lên xe cần có tâm trạng thoải mái và nên nói chuyện với người xung quanh. Ngoài ra, biện pháp giải quyết tình thế là bạn có thể uống thuốc chống say tàu xe trước khi lên xe khoảng 30 phút.
BS. Trần Quốc

Ý kiến của bạn