Khắc phục sai sót, giảm phiền hà cho bệnh nhân

05-01-2017 10:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Gần đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã triển khai mô hình “Lập danh mục xét nghiệm có phân loại dụng cụ lấy mẫu bằng hình ảnh” giúp khắc phục những sai sót trong hoạt động xét nghiệm, giảm phiền hà cho bệnh nhân và tiết kiệm chi phí vật tư tiêu hao.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng chất lượng xét nghiệm

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hà, công tác ở khoa Vi sinh - Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước đây, khoa Vi sinh có làm Sổ tay hướng dẫn lấy mẫu, nêu chi tiết cách thức lấy, bảo quản, vận chuyển mẫu thực hiện xét nghiệm cho các khoa lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp không sử dụng đúng vật chứa mẫu vi sinh. Chẳng hạn như đối với xét nghiệm vi sinh, tất cả vật chứa mẫu xét nghiệm phải vô trùng, nhưng trong thực tế, vẫn có trường hợp mẫu cấy nước tiểu lại được cho vào lọ dùng chứa mẫu phân, không vô trùng, nên phải lấy lại mẫu xét nghiệm, gây phiền hà cho bệnh nhân. Đặc biệt, với những mẫu khó lấy như dịch não tủy, đựng sai vật chứa không chỉ phiền hà cho cả nhân viên y tế và phía bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và gây lãng phí khi phải loại bỏ những lọ dụng cụ bị lấy mẫu không đúng. Có trường hợp điều dưỡng ở khoa lâm sàng gọi điện thoại hỏi khoa Vi sinh về dụng cụ chứa mẫu làm xét nghiệm, tránh được sai sót nhưng cũng gây mất thời gian cho khoa và người bệnh.

Ngoài ra, khi đi gửi mẫu, đôi khi do không nhớ mẫu cần gửi xét nghiệm cần được đưa đến khoa nào, hộ lý đã gửi mẫu xét nghiệm vi sinh sang khoa Sinh hóa hoặc khoa Huyết học; do vậy, phải mất thời gian để mẫu xét nghiệm được chuyển đến đúng khoa và có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng mẫu xét nghiệm.

Khắc phục sai sót, giảm phiền hà cho bệnh nhân

Từ thực tế đó, khoa Vi sinh đã xây dựng quy trình hướng dẫn một cách ngắn gọn, cụ thể bằng cách lập danh mục xét nghiệm có phân loại dụng cụ lấy mẫu bằng hình ảnh, góp phần đảm bảo chất lượng xét nghiệm từ giai đoạn trước xét nghiệm.

Mô hình lập danh mục xét nghiệm nói trên đã giúp giảm thiểu những sai sót trong xét nghiệm, đảm bảo chất lượng kết quả xét nghiệm, hỗ trợ việc mẫu lấy xét nghiệm được thuận tiện, bảo quản đúng vật chứa, giúp người gửi mẫu biết cách bảo quản đúng, đưa mẫu xét nghiệm đến đúng khoa, góp phần tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và cả bệnh nhân…

Nâng cao hiệu quả hoạt động xét nghiệm

Để lập danh mục xét nghiệm có hình ảnh phân loại các dụng cụ chứa mẫu ngắn gọn, dễ hiểu, khoa Vi sinh đã rà soát lại các danh mục và phân công nhân sự phụ trách thiết kế danh mục, phân loại - chụp hình dụng cụ, tổng hợp, sắp xếp bố cục định dạng kiểm soát tài liệu.

Danh mục xét nghiệm thường quy tại khoa Vi sinh được thiết lập có 43 xét nghiệm, nêu rõ loại mẫu, lượng mẫu xét nghiệm, dụng cụ chứa và kỹ thuật xét nghiệm. Ví dụ như đối với xét nghiệm cấy máu, sẽ lấy máu toàn phần, ở trẻ sơ sinh  khoảng 1 - 2ml, ở trẻ lớn khoảng 2 - 5ml; chứa trong chai cấy máu và được áp dụng kỹ thuật cấy bằng máy bactec- định danh- kháng sinh đồ. Hay như xét nghiệm tìm virút Dengue IgM, IgG (test nhanh) sẽ lấu mẫu máu đông ≥ 3ml, chứa trong ống nắp đỏ, có hạt và được áp dụng kỹ thuật sắc ký miễn dịch… Sau khi được trưởng khoa duyệt nội dung và trình lãnh đạo bệnh viện xem xét, danh mục được phân phối và hướng dẫn cho các khoa lâm sàng áp dụng. Riêng đối với những lọ dụng cụ dễ nhầm lẫn về màu sắc, khoa Vi sinh chụp 2 hình ảnh minh họa và diễn giải, nêu đặc điểm phân biệt để tránh nhầm lẫn.

ThS.BS. Trần Thị Ngọc Anh, người duyệt nội dung danh mục cho biết sau khi triển khai thực hiện danh mục trên, số mẫu xét nghiệm được cho vào dụng cụ chứa mẫu không đúng đã giảm; số lần hộ lý gửi nhầm mẫu xét nghiệm vi sinh sang khoa Sinh hóa, khoa Huyết học cũng giảm nhiều; số lần gọi điện thoại đến khoa Vi sinh hỏi về dụng cụ chứa mẫu cũng giảm và gần đây hầu như không còn cuộc gọi nào.

Với hiệu quả nêu trên, mô hình có thể nhân rộng đối với các xét nghiệm thuộc khoa cận lâm sàng như sinh hóa, huyết học cũng như các khoa xét nghiệm khác ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.


NGUYÊN HẠNH
Ý kiến của bạn
Tags: