Khắc phục rối loạn tiêu hóa do dùng thuốc kháng sinh thế nào?

16-05-2020 16:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng không mong muốn là gây rối loạn tiêu hóa từ nhẹ đến nặng bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng... Đây là các tác dụng phụ đã được cảnh báo trước và có thể khắc phục nếu dùng thuốc đúng cách.

Vì sao kháng sinh gây rối loạn tiêu hóa?

Trong đường ruột của chúng ta luôn tồn tại một hệ vi khuẩn có lợi và có hại với nhiều chủng loại khác nhau. Các vi khuẩn này luôn duy trì ở mức cân bằng khoảng 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn, giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại, kìm hãm cũng như làm mất tác dụng của các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột.

Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nên khi đưa kháng sinh vào cơ thể để điều trị một bệnh lý nào đó, đặc biệt là thuốc dùng đường uống, nồng độ thuốc sẽ tồn tại ở ruột khá lâu, chúng sẽ ức chế hoặc tiêu diệt sự phát triển của cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Điều này phá vỡ thế cân bằng của hệ vi sinh trong ruột và gây ra hiện tượng loạn khuẩn đường ruột, giảm đáng kể lượng vi khuẩn có lợi, thúc đẩy sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, dẫn tới rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc viêm ruột do kháng sinh.

Các loại kháng sinh dễ gây tiêu chảy nhất là ampicillin, amoxicillin, các cephalosporin, erythromycin và clindamycin…

Mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do dùng thuốc kháng sinh.

Làm thế nào để hạn chế rối loạn tiêu hóa khi dùng kháng sinh?

Để hạn chế tác dụng không mong muốn nói trên của kháng sinh nói chung và rối loạn tiêu hóa do kháng sinh gây ra nói riêng, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, không tự ý tăng liều, không tự ý dùng thuốc kháng sinh chữa các bệnh do virus.

Một số trường hợp rối loạn tiêu hóa nhẹ thì sau khi ngừng kháng sinh, các triệu chứng rối loạn sẽ giảm đáng kể và hết. Có thể dùng các thuốc men vi sinh hoặc nước uống bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột để giải quyết tình trạng này.

Với các trường hợp nặng gây tiêu chảy có các triệu chứng như phân lỏng, đau bụng âm ỉ hoặc đau quặn, buồn nôn, nôn... người bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị bù nước và điện giải. Sau đó tùy tình trạng của người bệnh thầy thuốc sẽ quyết định ngừng sử dụng kháng sinh hoặc đổi sang nhóm thuốc kháng sinh khác, đồng thời bổ sung lợi khuẩn để lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Có thể bổ sung các lợi khuẩn cho đường ruột bằng thực phẩm như sữa chua, thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên cám, rau lá...).


ThS.DS. Lê Quốc Thịnh
Ý kiến của bạn