Báo SK&ĐS trong thời gian qua đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại kênh Ba Bò gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục hậu quả trên, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên việc giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm tại đây vẫn còn đầy thách thức...
Kinh khủng mật độ rác
Ngày 3/11, ông Vũ Văn Điện, Ban quản lý dự án thuộc Công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước môi trường Bình Dương (Công ty Môi trường Bình Dương) dẫn chúng tôi đến kênh Ba Bò (đoạn Quân đoàn 4) để nắm lại tình hình sau khi tiểu dự án vớt rác tạo thông dòng chảy đang hoàn tất. Đoạn kênh chỉ khoảng 3km nhưng đã vớt tới 18.300 tấn rác khiến ai cũng ớn gáy. Rác vớt xong chỉ sau ngay ngày hôm sau lại nổi bồng bềnh đầy lại kênh, ông Điện chỉ về phía nhà trọ của dân lắc đầu ngao ngán. Trước khi chưa vớt, rác bao phủ kín cả kênh, có đoạn dày 2m, người dân có thể đi qua lại giữa hai bờ con kênh rất bình thường. Phải dùng máy móc và hàng chục nhân công ngày đêm làm việc mới vớt được khối lượng rác khổng lồ trên. Ông Điện cho hay: Hàng trăm xe rác vớt được trong mấy tháng qua đã vận chuyển về Khu xử lý rác thải Nam Bình Dương chôn lấp. Riêng tiền vận chuyển rác đã ngốn gần 1 tỷ đồng, vớt cũng tốn cả tỷ... Để đối phó với người dân và một số xe tải hay chở rác đến kênh Ba Bò đổ bậy, Ban quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò đã hàn sắt bao bọc ngay đầu đường ĐT743 để ngăn chặn thói quen đổ rác của người dân. Tới đây, một dự án mới có vốn đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng làm bờ kè hai bên kênh với mục đích bịt những đường cống của nhà dân và chống sạt lở tạo thông dòng chảy.
Kênh Ba Bò, nơi ô nhiễm dai dẳng và gây bức xúc trong dư luận. |
Được biết, kênh Ba Bò gánh chịu các nguồn nước thải của các doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 2; rác, nước thải sinh hoạt của 800 hộ dân và 2.500 phòng trọ thuộc tổ 11 đến tổ 16 của xã Bình Hòa, Thuận An - Bình Dương. Từ năm 2007, ô nhiễm ở kênh Ba Bò (đoạn thuộc xã Bình Hòa, Thuận An, tỉnh Bình Dương) trở thành vấn đề lớn về ô nhiễm môi trường không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do nước thải của KCN Sóng Thần 1 và 2; nước thải, rác thải của các hộ dân sống ven kênh thải ra không xử lý. Qua khảo sát của các đoàn kiểm tra tỉnh Bình Dương, chất thải tích tụ ở kênh Ba Bò kéo dài gần 15 năm không được quan tâm.
Dòng kênh đen bất thường
Theo một số người dân sống hai bên kênh cho hay, sau khi thực hiện vớt rác kênh Ba Bò đã bớt hôi hám. Tuy nhiên, vào chập tối hay ngày thứ bảy, chủ nhật thì dòng kênh có lúc đen ngòm và mùi hôi thối xốc vào nhà rất khó thở. Một công nhân dự án vớt rác kênh Ba Bò của Công ty Cấp thoát nước -Môi trường Bình Dương sau một thời gian dài "bám" ở kênh để vớt rác đã đưa ra nhận định: Lúc trời mưa và nửa đêm thì dòng kênh lại đột ngột đen bất thường. Theo ông Vũ Văn Điện: Rác thì đã vớt, nhưng chất lượng nước lúc đen, lúc hôi như thế này cũng làm khó cho chúng tôi. Riêng ý thức của một số hộ dân về bảo vệ môi trường còn rất kém. Hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân xả rác thải, nước sinh hoạt thẳng xuống lòng kênh. Theo ghi nhận của chúng tôi tại khu vực đoạn đường ĐT743 dọc theo kênh, nhà nhà châu "vòi" xuống kênh. Các vòi nước liên tục chảy ào ào thì còn lâu kênh mới hết ô nhiễm. Trước đó, Phòng quản lý đô thị huyện Thuận An đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các hộ dân sống ven kênh Ba Bò. Đến nay, việc xử lý các hộ có vi phạm vẫn chưa triệt để, chỉ ở mức nhắc nhở.
Trong khi phía Bình Dương còn loay hoay vớt rác và còn chờ vốn để làm bờ kè. Dự án cải tạo kênh Ba Bò ở TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh đầu tư lên hơn 744 tỷ đồng. Như vậy, để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường kênh Ba Bò sẽ tốn cả 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, đang vướng công tác giải tỏa mặt bằng, đền bù cho dân... Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 250 hộ, trong đó số hộ bị giải tỏa trắng là 99 hộ, nên công tác giải phóng mặt bằng đang còn nhiều khó khăn.
Chí Tưởng