Tổ đã chia ra từng nhóm nhỏ để khảo sát, đánh giá toàn diện công tác thu dung, điều trị của bệnh viện. Từ đó có những tư vấn, hướng dẫn hữu ích, cần làm ngay.
Nhiều con số buồn...
Lãnh đạo Bệnh viện Quận Bình Tân cho biết, bệnh viện đã nhanh chóng áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, với một số khoa dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 như Khoa COVID-19 B; Khoa COVID-19 C; Khoa cấp cứu…
Tổng cộng bệnh viện đã tiếp nhận, thu dung và điều trị 1.848 bệnh nhân. Trong đó số khỏi và xuất viện là 643 người, chuyển viện 345 người, chuyển khu cách ly 66 người.
Nếu tháng 7 có 24 người tử vong thì tháng 8 là 256 người, từ đầu tháng 9 đến nay là 150 người. Tổng cộng đã có 430 người tử vong.
Từ đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 102 nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện nhiễm COVID-19 (tháng 7 là 37 nhân viên, tháng 8 là 53 nhân viên, đầu tháng 9 đến nay là 12 nhân viên).
Bệnh viện cũng đã trang bị bồn oxy 10 tấn, bên cạnh đó còn có oxy chai. Bệnh viện được trang bị máy thở HFNC, máy thở xâm lấn và không xâm lấn, máy thở chức năng cao, cơ số thuốc và các trang thiết bị cần thiết khác…
Cần phân luồng, điều trị tốt hơn
Từ sự khảo sát chi tiết, các nhóm của Tổ công tác đã chỉ ra những bất cập mà Bệnh viện Quận Bình Tân cần phải khắc phục ngay. Điển hình như:
- Việc phân luồng, chống nhiễm khuẩn cần phải làm bài bản;
- Thực hiện tốt giãn cách đối với bệnh nhân vào khám bệnh thông thường;
- Thực hiện đúng các quy định phòng, chống COVID-19.
Tại khu vực cấp cứu cũng như các khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 phải điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Sàng lọc, phân loại bệnh nhân nặng, nhẹ để căn cứ mức độ theo dõi hợp lý. Với các bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng phải đo SpO2 thường xuyên, ghi vào bệnh án.
Giãi bày về những khó khăn, lãnh đạo bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã cố gắng thu dung, điều trị và tiến hành đánh giá các mức độ, nhưng cái khó của bệnh viện là có phần quá tải. Số giường chuẩn bị chu đáo để đón tiếp bệnh còn hạn chế. Đặc biệt khi chuyển bệnh nhân lên tầng cao hơn cũng còn chưa thuận lợi.
TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), thành viên Tổ công tác yêu cầu bệnh viện phải theo dõi sát nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính. Việc đánh giá nguy cơ người bệnh phải làm khoa học, chính xác. Việc theo dõi các chỉ số sinh tồn cho người bệnh là khâu rất quan trọng, không được lơ là. Cùng với đó, áp dụng việc chăm sóc dinh dưỡng tốt song song với điều trị.
TS Dương Huy Lương, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ thêm: Các công đoạn chăm sóc, điều trị bệnh nhân phải chặt chẽ, khoa học. Người bệnh vào phải có phân luồng rõ ràng, rạch ròi luồng sạch, luồng bẩn. Người ra vào cũng phải kiểm soát kỹ, tránh lây nhiễm chéo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.