Khắc phục nguyên nhân trẻ hấp thụ kém

08-09-2023 08:00 | Dinh dưỡng

Những trẻ kém hấp thụ dinh dưỡng dù vẫn ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa của trẻ lại không hấp thụ được hết những dưỡng chất có trong thức ăn.

Khắc phục nguyên nhân trẻ hấp thụ kém - Ảnh 1.

Kém hấp thụ dinh dưỡng ở trẻ là gì?

Theo BS Nguyễn Ngọc Sáng, Đại học Y dược Hải Phòng, chất dinh dưỡng từ thức ăn qua quá trình tiêu hóa sẽ được hấp thụ tại ruột non vào máu và chuyển đến các cơ quan trong cơ thể để duy trì các hoạt động và đảm bảo sự tăng trưởng phát triển. Tuy nhiên, cơ chế này hoạt động kém ở trẻ hấp thu dinh dưỡng kém gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Nguyên nhân vì sao trẻ hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Tham khảo thông tin dưới đây.

Nếu trẻ ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, cơ thể sẽ tự động hấp thụ được những vitamin và dưỡng chất có lợi từ chúng. Tuy nhiên, những trẻ kém hấp thụ dinh dưỡng dù vẫn ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa của trẻ lại không hấp thụ được hết những dưỡng chất có trong thức ăn.

Vấn đề tiêu hóa này không quá hiếm gặp và đương nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Nhất là tình trạng này ở trẻ sơ sinh kém hấp thụ dinh dưỡng sẽ làm cho cơ thể trẻ rơi vào tình trạng thiếu hụt những chất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện đến lớn.

Nếu cơ thể trẻ không hấp thụ được vitamin, khoáng chất và cả protein đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển sau này cũng như hoạt động của các cơ quan trong cơ thể cũng bị chậm đi. Nghiêm trọng hơn nếu tình trạng kém hấp thụ dinh dưỡng để lâu không cải thiện sẽ làm trẻ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng và gãy xương. Ngoài ra, tiêu hóa kém còn kéo theo những triệu chứng làm trẻ khó chịu như tiêu chảy, đầy hơi.

Nguyên nhân trẻ kém hấp thụ chất dinh dưỡng

Có rất nhiều những nguyên nhân làm cho trẻ kém hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến tăng cân chậm, có thể tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đối với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ. Chế độ ăn chính là nguyên nhân lớn nhất làm trẻ kém hấp thụ dưỡng chất. Nhất là những trẻ nào ăn dặm không đúng thời điểm hoặc ăn quá sớm cũng dễ rơi vào tình trạng hấp thụ kém. Những loại thức ăn có cấu trúc phức tạp, dưỡng chất quá cao như hải sản, trứng… đều phải được làm quen từ từ khi mới bắt đầu cho trẻ tập ăn.

Chế độ ăn hàng ngày không bổ sung được 4 nhóm thực phẩm quan trọng hoặc cho bé ăn quá nhiều đồ dầu mỡ cũng bị rối loạn tiêu hóa. Lúc này cơ thể trẻ còn bị thiếu hụt những vi chất cần thiết cho hệ tiêu hóa như Magie, kẽm, canxi… gây cho trẻ cảm giác biếng ăn, ăn không ngon miệng và sợ đồ ăn. Chính vì vậy, chế độ ăn uống đúng cách dành cho trẻ là rất quan trọng để hệ tiêu hóa không bị hoạt động quá tải và chức năng tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng cũng luôn ổn định.

Tình trạng loạn khuẩn đường ruột sẽ làm hệ vi sinh mất thăng bằng và cũng chính là nguyên nhân làm giảm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng trong cơ thể trẻ.

Hệ tiêu hóa của trẻ trong những năm đầu đời vẫn chưa hoàn thiện, khiến cho khả năng miễn dịch còn yếu, nên bé rất dễ mắc những hội chứng bị rối loạn tiêu hóa.

Thức ăn sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn nhờ men tiêu hóa hoặc enzym. Tuy nhiên, sự thiếu hụt của men tiêu hóa nội sinh cũng làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ thức ăn trong đường ruột của trẻ.

Những trẻ mắc các bệnh lý về tuyến tụy, gan, túi mật, ống tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, phẫu thuật cắt đoạn ruột… cũng làm cho trẻ kém hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác chính là cơ thể không dung nạp được đường Lactose.

Tình trạng kém hấp thụ dinh dưỡng ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến do bố mẹ không cho ăn đúng cách hoặc cho ăn vào thời gian không phù hợp. Khi đó, cơ thể trẻ sẽ phải hoạt động quá tải để giải quyết lượng thức ăn nạp vào, lâu dần chức năng này cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để cải thiện được tình trạng này hãy tham khảo cho bé một chế độ dinh dưỡng với thực đơn khoa học, đầy đủ dưỡng chất cần thiết.

Trẻ kém hấp thụ chất dinh dưỡng nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả thể chất, sức khỏe và trí não của trẻ. Khi bị suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến trẻ dễ mắc phải những bệnh lý viêm nhiễm.

Chế độ ăn dành cho trẻ kém hấp thu dinh dưỡng

Khi trẻ hấp thụ chất dinh dưỡng kém sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất. Chính vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu kém hấp thu, hãy bổ sung cho trẻ những thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày.

Nhóm thực phẩm giàu đạm - ưu tiên những loại đạm có nguồn gốc từ động vật.

Sữa: nếu trẻ dưới 1 tuổi tốt nhất nên ăn sữa mẹ hoàn toàn, nếu trường hợp mẹ không có sữa hoặc không đủ mới cho trẻ uống sữa công thức có mức năng lượng cao để đảm bảo cơ thể trẻ được cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.

Trứng: loại thực phẩm này rất bổ và tốt cho trẻ do trứng có chứa nhiều đạm, muối khoáng, chất béo và nhiều vitamin có lợi. Trong trứng có chứa chất đạm có đầy đủ các acid amin cần thiết có tỷ lệ cân bằng để trẻ hấp thụ dinh dưỡng dễ hơn. Xét về giá trị dinh dưỡng thì lòng đỏ trứng có chứa nhiều chất béo, chất đạm và vitamin nên hãy ưu tiên cho trẻ ăn lòng đỏ trứng.

Thịt: thực phẩm này có hàm lượng dinh dưỡng cao rất phù hợp với những trẻ kém hấp thu dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn thịt mông sấn, thịt nạc trong khẩu phần ăn để tăng năng lượng cho trẻ. Ăn thịt đỏ như thịt bò rất nhiều dưỡng chất có lợi.

Hải sản: nhóm này gồm có tôm, cua, cá cũng có chứa nhiều chất đạm mà cha mẹ nên tăng cường cho trẻ ăn và dễ tiêu hóa nếu ăn số lượng vừa phải. Đặc biệt, trong hải sản còn chứa nhiều Canxi, phốt pho rất tốt để ngăn ngừa trẻ bị còi xương.

Nhóm thực phẩm giàu chất béo

Chất béo cũng là nguồn năng lượng chính cần có trong mỗi bữa ăn của trẻ. Tính cùng một hàm lượng, chất béo cung cấp năng lượng gấp đôi so với tinh bột và chất đạm. Vitamin tan trong dầu cũng dễ được hấp thụ và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do đó, cha mẹ cần bổ sung cho trẻ đủ lượng dầu mỡ để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho mọi lứa tuổi.

Lưu ý nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và cả dầu thực vật với liều lượng đúng cách để trẻ hấp thu được cả những acid béo chưa no.

Nhóm thực phẩm giàu glucid

Gạo và mỳ đều là những thực phẩm giàu Glucid có chứa lượng lớn trong khẩu phần ăn, có vai trò quan trọng để cung cấp năng lượng cho trẻ. Ngoài ra, hãy cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều trái cây và hoa quả tươi để cung cấp đủ vitamin, chất xơ cần thiết và các yếu tố vi lượng.


PV
Ý kiến của bạn