Những nguyên nhân
Vi khuẩn:
Có rất nhiều vi khuẩn tham gia trong quá trình gây mùi hôi miệng, đa số là vi khuẩn có tên khoa học như: Porphyromonas gingivalis, Prevotella, intermedia; các Entero bateriaceae như: Klebsiella pneumoniae, Escherichia... thường là vi khuẩn có liên quan đến bệnh viêm nha chu, sâu răng...
Các hợp chất ở lưỡi:
Các hợp chất bay hơi có sulfur được phóng thích từ sự phân rã các axít amin cystein và methionin của protein nước bọt, tế bào và mảnh vụn thức ăn do vi khuẩn... Các hợp chất bay hơi có sulfur là tác nhân chính gây hôi miệng.
Tạo thói quen khám định kỳ răng miệng 6 tháng 1 lần
Lưỡi là vị trí chính sản sinh hợp chất bay hơi có sulfur, mặt lưng lưỡi với những gai lưỡi và khe rãnh là nơi tích tụ nhiều mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn hình thành lớp bợn lắng đọng phần sau của lưỡi gần đáy lưỡi. Lớp bợn này là nơi sản sinh ra các khí có mùi hôi.
Từ miệng:
Qua nghiên cứu người ta thấy mùi hôi phát sinh từ trong miệng chiếm đến 85% trường hợp thường do các bệnh như: viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, giắt thức ăn ở kẽ răng, mang hàm giả tháo lắp, phục hình cố định bị hở, miếng trám dư hay hở dễ tích tụ thức ăn, chân răng nhiễm trùng, viêm ổ răng, viêm lợi trùm...
Mùi hôi từ mũi hầu xoang hàm và họng:
Nếu có mùi hôi khi bệnh nhân ngậm miệng và thở hơi ra bằng mũi thì có thể phát sinh từ mũi hầu. Nếu mùi hôi chỉ có vào buổi sáng và lưỡi không đóng bợn thì nguyên nhân do sự tích tụ dịch tiết ở mũi. Trong trường hợp mùi hôi có nguồn gốc ở mũi, bệnh nhân thường có triệu chứng viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, khịt mũi, tằng hắng... nếu bệnh nhân có tiền sử viêm xoang dai dẳng, bị hôi miệng vào buổi sáng và kéo dài sau đó thì nên nghi ngờ nguồn gốc từ xoang hàm. Nguồn gốc từ họng bị nghi ngờ khi bệnh nhân bị viêm amidan mủ hay hốc và khạc ra những viên sạn amidan màu trắng, dai và rất hôi.
Từ hệ hô hấp:
Thông thường bệnh nhân có mùi hôi kèm theo khạc đàm hay khó thở thì có thể nghi ngờ nguồn gốc mùi hôi từ hệ hô hấp như viêm phổi, ápxe phổi, ung thư phổi.
Từ hệ tiêu hóa:
Hôi miệng đi kèm với triệu chứng đau dạ dày, ợ chua, viêm thanh quản hay tái phát và vô căn... Táo bón cũng nguyên nhân gây chứng hôi miệng.
Hút thuốc lá:
Hút thuốc lá sẽ gây mùi hôi khá đặc biệt, người hút thuốc lá nhiều 10 - 20 điếu mỗi ngày dễ dẫn đến khô miệng và nha chu, là nguồn gốc làm cho hơi thở có mùi hôi.
Các phương pháp khắc phục
Phương pháp do cá nhân tự làm:
Hầu hết mọi người có thể ngăn ngừa hay điều trị được chứng hôi miệng của mình bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách theo các bước sau:
Đánh răng: chú ý ngoài việc đánh răng sáng lúc ngủ dậy và trước khi đi ngủ còn phải đánh răng sau mỗi bữa ăn, dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng; đánh răng nên chọn bàn chải không nên mềm quá cũng không nên cứng quá, thường 3 tháng nên thay một lần.
Cạo lưỡi: vài lần trong ngày trước khi chải răng, cây cạo lưỡi phải có hình dạng thích hợp với lưng lưỡi và lấy được lớp bợn một cách có hiệu quả, đồng thời không làm tổn thương bề mặt lưỡi. Cạo lưỡi phải chú ý không cạo mạnh và không quá nhiều lần, có thể dùng gel kháng khuẩn phối hợp với cạo lưỡi.
Nên chọn dung dịch súc miệng căn cứ trên hoạt chất kháng khuẩn hơn là mùi thơm dễ chịu
Súc miệng sau mỗi lần chải răng: nên chọn dung dịch súc miệng căn cứ trên hoạt chất kháng khuẩn hơn là mùi thơm dễ chịu; nước oxy già pha loãng cũng có tác dụng làm giảm tạp khuẩn kỵ khí trong miệng. Các thuốc xịt có chất kháng khuẩn và hương liệu khá tiện dụng nhưng đắt tiền và thường làm khô miệng.
Làm tăng lưu lượng nước bọt: uống nước nhiều, nhai kẹo cao su có hương liệu bạc hà, quế...
Khắc phục bằng cách điều trị các bệnh răng miệng, mũi xoang và các bệnh khác:
Nên tạo thói quen khám định kỳ răng miệng 6 tháng 1 lần; điều trị nha chu nếu có, cạo vôi răng, nạo túi viêm, xử lý bề mặt chân răng, bơm rửa túi nha chu bằng dung dịch sát trùng; kiểm tra các miếng trám và phục hình răng; điều trị viêm mũi xoang, bỏ thuốc lá và điều trị các bệnh nội khoa khác như hội chứng dạ dày, táo bón...
Khắc phục bằng phương pháp y học cổ truyền:
Có thể dùng một trong các bài thuốc:
- Dùng 10g hương nhu sắc với 200ml, ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày, nhổ ra ngoài, không nuốt.
- Dùng một nắm húng chanh khoảng 100 - 200g, sắc lấy nước đặc để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày, vài ngày sẽ thấy rất hiệu nghiệm.
- Dùng một nắm ngò gai khoảng 200g sắc lấy nước đặc cho thêm vài hạt muối làm nước súc miệng, khò họng nhiều lần, sau khoảng 5 - 6 ngày thì rất công hiệu.