Khắc phục chứng ù tai

20-12-2017 15:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Ù tai là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Ù tai cũng gặp ở người bị áp huyết thấp hoặc là do tiếp xúc với tiếng ồn lớn…

Chính vì thế, nếu gặp tình trạng như vậy, chúng ta nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và đo thính lực xem bạn có thực sự bị nghe kém hay không?

Ù tai là âm nghe trong tai nhưng không có âm hiện diện ở tai ngoài hoặc môi trường. Có 2 loại  chính: ù tai khách quan và chủ quan. Ù tai có những ảnh hưởng khác nhau tùy người, đôi khi chỉ có sự khó chịu nhẹ hoặc những biểu hiện nặng hơn như rối loạn giấc ngủ, lo lắng bồn chồn đến trầm cảm. Tiếng ù trong tai được người bệnh mô tả cho bác sĩ rất đa dạng, ghi nhận có trên 50 kiểu âm thanh khác nhau.

Theo một điều tra, có khoảng 17% dân số thế giới bị triệu chứng ù tai ở các mức độ khác nhau, trong đó tỉ lệ ù tai ở người già là 33%. Đối với tuổi dưới 50, bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn; tuy nhiên, trên 50 tuổi, tỉ lệ nam nữ là tương đương nhau. Ước tính hiện nay có khoảng trên 25 triệu người Mỹ chịu ảnh hưởng của ù tai. Ở Pháp, có gần 50% dân số bị ù tai thực sự, 2-3 triệu người ở dạng mạn tính. Ở Anh, một khảo cứu năm 1981 cho thấy có 17% người bị ù tai thường xuyên.Khi có bất thường như: ù tai, chóng mặt, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Khi có bất thường như: ù tai, chóng mặt, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh

Ù tai tự nó không phải là một bệnh mà là triệu chứng của một nguyên nhân cơ bản nào đó gây hậu quả lên hoạt động của cơ thể và đưa đến ù tai. Ù tai có thể xảy ra ở 1 hay 2 tai, xuất hiện đúng thời gian hay bất kỳ lúc nào, có thể chỉ xảy ra trong chốc lát, có thể ngày một nặng hơn, một số ù tai trở nên mạn tính và là nguồn gốc của các biến chứng như mỏi mệt, khó ngủ, mất tập trung, rối loạn trí nhớ, dễ kích thích, trầm cảm… gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày. Nói chung, cơn ù tai hết tương đối nhanh.

Ngoài ra, ù tai có thể đi kèm với các triệu chứng khác như: nặng tai, đau trong hay quanh tai, chóng mặt, đi đứng không vững… Tuy vậy, đôi khi ù tai chỉ xảy ra đơn độc. Về thính lực, mặc dù ù tai không làm giảm thính lực nhưng cũng có thể đi kèm với giảm thính lực hay tăng thính lực ở một số bệnh nhân. Tăng thính lực xảy ra ở khoảng 40% bệnh nhân với biểu hiện dễ nhạy cảm hay đau khi nghe những âm thanh lớn.

Ù tai thường giảm vào ban ngày do người bệnh chịu ảnh hưởng của những âm thanh khác đến từ xung quanh nhưng khi về đêm hay khi ở nơi yên ắng thì tiếng ù trong tai sẽ trở nên rất lớn. Mức độ nặng và tần suất xảy ra ù tai phụ thuộc vào các yếu tố như stress, chế độ ăn và tiếng ồn. Cuối cùng, tiếng ù có thể trở nên lớn đến mức người bệnh không còn nghe được những âm thanh khác từ bên ngoài nữa.

Biểu hiện của nhiều bệnh

Do ù tai là triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh khác nhau nên rất khó xác định nguyên nhân chính xác của ù tai. Có rất nhiều nguyên nhân gây ù tai, thường gặp hoặc ít gặp: nút ráy tai, lão thính, tiếp xúc tiếng ồn thường xuyên, tiền sử chấn thương đầu cổ, chấn thương vặn cổ, bệnh lý vùng tai mũi họng (tai giữa, vòi nhĩ, vòm, viêm mũi xoang, viêm họng, bệnh trào ngược dạ dày-thực quản…), sử dụng các thuốc độc cho tai liều cao như aspirin (có khoảng 200 loại thuốc độc cho tai đã ghi nhận), stress tâm lý hay thể xác (ví dụ sau phẫu thuật...), u dây thần kinh VIII, các bệnh lý của thần kinh tiền đình hay của các vùng não tiếp nhận tiếng động, rối loạn khớp hàm, thoái hóa cột sống cổ, xốp xơ tai (xơ cứng chuỗi xương con trong tai giữa), phình động mạch cảnh, bệnh lý mạch máu gây ù tai dạng mạch đập (xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, rò động-tĩnh mạch lân cận)…

Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu ù tai, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để khám xác định nguyên nhân và điều trị đúng kịp thời. Đặc biệt, nếu có triệu chứng ù tai và tự nhiên nghe kém hoặc đơn thuần nghe kém (một hoặc cả hai tai), đó có thể là điếc đột ngột. Trên thực tế, nhiều người chủ quan không đi khám và cho rằng ù tai là vấn đề không đáng ngại đến khi bệnh nặng và việc điều trị khó khăn dẫn đến điếc không hồi phục.

Lời khuyên của thầy thuốc

Điều trị ù tai tùy theo độ nặng, các triệu chứng kèm theo và nguyên nhân mà có biện pháp tầm soát cho bệnh nhân. Ví dụ như khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quát các bệnh lý nội khoa nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, chức năng thận, tiền sử dùng thuốc, chế độ ăn và dị ứng. Kiểm tra đánh giá vùng tai mũi họng cho hầu hết các trường hợp ù tai: nội soi tai mũi họng, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…

Điều trị theo nguyên nhân khi xác định được nguyên nhân của ù tai. Tuy nhiên, khi chỉ có triệu chứng ù tai đơn thuần thì biện pháp điều trị thường là tập cho bệnh nhân “sống chung” với tiếng ù trong tai bằng cách bệnh nhân cần tránh những yếu tố kích thích có thể làm nặng thêm ù tai như: tiếng ồn, rượu, nicotin, caffein...

Hạn chế làm việc nơi có tiếng ồn, nếu làm việc trong môi trường ồn ào, cần mang dụng cụ bảo vệ tai để tránh làm nặng thêm tình trạng ù tai sẵn có hoặc có thể sử dụng máy trợ thính giúp làm giảm bớt tiếng ù bằng cách tăng âm cho những tiếng động bên ngoài. Điều quan trọng là người bệnh cần giảm bớt stress: các biện pháp như thư giãn, yoga, bơi lội, massage, đi bộ, ngủ đủ giấc… cũng giúp hạn chế tiếng ù tai nặng lên.

ThS.BS.Công Minh
Ý kiến của bạn
Tags: