Nguyễn Thị T. V (Hưng Yên)
Những người nghiến răng trong khi ngủ có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như ngáy và ngưng thở trong khi ngủ. Nghiến răng khi ngủ không chỉ gây ra tiếng động “đáng sợ” cho người ngủ cùng mà còn gây ra các hệ lụy khác như: Men răng bị mòn, để lộ lớp sâu hơn của răng, tăng độ nhạy cảm của răng; Răng bị mòn, gãy, sứt mẻ hoặc lung lay; Đau hàm mặt, mỏi hay căng cơ hàm; Đau tai, mặc dù thực sự không phải là vấn đề của tai; Đau đầu vùng thái dương;Tổn thương trong má...
Nguyên nhân gây ra nghiến răng có thể là do nguyên nhân thực thể hay tâm lý bao gồm: Cảm xúc lo âu, căng thẳng, giận dữ hay thất vọng; Kiểu cá tính hung hăng, cạnh tranh hay hiếu thắng; Liên kết bất thường của các răng trên và dưới (mọc răng sai vị trí); Các vấn đề giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ; Trào ngược dạ dày thực quản; Tác dụng phụ thường gặp của một số thuốc tâm thần chẳng hạn như phenothiazin hoặc vài loại thuốc chống trầm cảm; Biến chứng do một rối loạn như bệnh Huntington, bệnh Parkinson. Hút thuốc lá, đồ uống có cafein hoặc rượu hay dùng các loại thuốc bất hợp pháp như methamphetamine hoặc ecstasy có thể làm tăng nguy cơ nghiến răng.
Vì thế, nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, để giảm và phòng nghiến răng, nên duy trì một lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, tránh hoặc giảm bớt thực phẩm và đồ uống có chứa cafein. Tránh uống rượu. Tránh nhai kẹo cao su. Nếu rối loạn giấc ngủ gây nghiến răng thì điều trị bệnh này có thể làm giảm hoặc loại bỏ thói quen nghiến răng.