Chứng đi tiểu thường xuyên có thể xảy ra ban ngày cũng như ban đêm (tiểu đêm), rất phổ biến ở người lớn tuổi và phụ nữ. Nguyên nhân nào gây ra chứng này, làm sao để khắc phục?
Bàng quang là một tạng rỗng chứa nước tiểu nằm trong tiểu khung. Nước tiểu sau khi được thận bài tiết ra theo niệu quản đổ vào bàng quang. Bàng quang có dạng hình cầu, dung tích khoảng từ 250 - 600ml ở người trưởng thành. Khi số lượng nước tiểu chưa đủ tạo ra kích thích, hoặc với người bình thường có thể nín tiểu trong nhiều giờ nhờ sự ức chế phát sinh từ vỏ não. Khi nước tiểu ở bàng quang có dung tích khoảng 300 - 400ml (một số người khoảng 150ml) sẽ tạo ra một áp lực, tín hiệu này sẽ được dẫn truyền lên não bộ, tiếp đó tín hiệu trả lời sẽ theo cung cảm giác đến kích thích hoạt động phản xạ của dây cùng qua cung vận động ở S2 - S4, làm bàng quang co bóp và cơ vòng ở cổ bàng quang mở và đẩy nước tiểu ra ngoài.
Như thế nào gọi là đi tiểu thường xuyên?
Tùy thuộc vào lượng nước uống, dạng hoạt động, thời tiết, môi trường làm việc... nhưng với hầu hết mọi người, thông thường số lần đi tiểu là khoảng 6 - 7 lần trong một khoảng thời gian 24 giờ. Tuy nhiên, nếu đi tiểu từ 4 – 10 lần/ngày cũng có thể gọi bình thường nếu người đó là lành mạnh và thoải mái với số lần họ vào nhà vệ sinh.
Bạn lưu ý nếu tổng khối lượng nước tiểu trong một ngày nhiều hơn 3 lít (gọi là đa niệu), nên đi khám để phát hiện các nguyên nhân gây đa niệu. Với chứng đi tiểu thường xuyên nhưng không liên quan đến đa niệu, lượng nước tiểu trong một ngày là bình thường (1 - 2 lít) hoặc đôi khi thậm chí thấp hơn 1 lít. Nếu như bạn không uống một lượng lớn chất lỏng hoặc thức uống với các chất gây lợi tiểu (trà, cà phê, soda có caffein hoặc rượu) hoặc thuốc lợi tiểu, các nguyên nhân khác gây đi tiểu thường xuyên cần phải được đánh giá.
Xét nghiệm nước tiểu để xác định bất thường |
Các triệu chứng
- Tăng cảm giác muốn đi tiểu.
- Tiểu không kiểm soát: mất kiểm soát bàng quang.
- Đau khi đi tiểu.
- Tiểu máu: như có máu đỏ trong nước tiểu, nước tiểu màu hồng, cục máu đông trong nước tiểu.
- Đau bụng dưới.
- Cảm giác bàng quang căng tức.
- Đau vùng lưng.
- Đau vùng hông.
Một số nguyên nhân
- Lo lắng: đi tiểu nhiều lần là một triệu chứng thường gặp liên quan với sự lo lắng, xảy ra với những bệnh nhân bị trầm cảm và rối loạn giấc ngủ - mất ngủ, ngưng thở khi ngủ.
- Suy tuyến thượng thận: gây giảm tiết các hormone từ tuyến thượng thận. Các triệu chứng khác bao gồm: mệt mỏi, ăn mất ngon, sụt cân, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, huyết áp thấp, hạ đường huyết và trầm cảm.
- Khối u: u ác tính hoặc u lành tính bất kỳ nơi nào ở đường tiết niệu hoặc xung quanh các cấu trúc có thể gây nên trình trạng gia tăng chứng đi tiểu nhiều lần. Ung thư bàng quang và ung thư TTL (ở nam giới) là những nguyên nhân phổ biến của tần số tiết niệu do một khối u.
- Bệnh đái tháo đường: ngoài dấu hiệu tiểu nhiều thường kèm sụt cân, khát nước, da khô... nhiều khi các triệu chứng của đái tháo đường týp 2 khá kín đáo.
- Thuốc và phương pháp điều trị y tế: do thuốc lợi tiểu, lithium, viêm bàng quang do tia xạ là một kết quả của việc tiếp xúc với bức xạ (điều trị) huyết áp, thiếu máu, mệt mỏi…
- Hội chứng bàng quang hoạt động quá mức: các cơn co thắt bàng quang lặp đi lặp lại và không kiểm soát được do nguyên nhân không rõ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: tiểu không kiểm soát mặc dù điều này không phải luôn luôn hiện diện.
- Các yếu tố thần kinh ảnh hưởng đến bàng quang: do các nguyên nhân thần kinh gây nên sự hoạt động quá mức của bàng quang mà hậu quả từ các tổn thương của não, của tủy sống (đặc biệt là xương cùng) hoặc dây thần kinh ngoại vi điều khiển hoạt động của bàng quang. Có thể được kết hợp với các bệnh lý khác về thần kinh như: bệnh Parksinon, bệnh xơ cứng rải rác, bệnh lý thần kinh do đái tháo đường, herpes zoster và biến chứng thần kinh của bệnh giang mai.
- Tiểu không kiểm soát: các nguyên nhân của tiểu không tự chủ có thể dẫn đến chứng đi tiểu thường xuyên.
- Hẹp niệu đạo: bất thường gây hẹp niệu đạo có thể là do u xơ TTL lành tính (nam), các bệnh qua đường tình dục, tổn thương niệu đạo hoặc khung xương chậu, viêm niệu đạo mãn tính. Có thể có các triệu chứng khác đi kèm như: đi tiểu đau, có máu trong tinh dịch, sưng dương vật và các triệu chứng khác, như: thiểu niệu và tiểu máu.
- Sỏi đường niệu: khi viên sỏi di chuyển trong hệ niệu (niệu quản, bàng quang, niệu đạo) sẽ dẫn đến tắc nghẽn đầu ra và kết quả là làm gia tăng số lần đi tiểu, các triệu chứng khác đi kèm có thể gồm: đi tiểu đau (không phải lúc nào cũng có trong tình huống viên sỏi nhỏ hơn), đau vùng thận, nước tiểu giảm hoặc trong nước tiểu có máu.
- Nhiễm trùng đường tiểu: do vi khuẩn, virút, nấm và ký sinh trùng ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiết niệu hoặc chỉ một số phần của nó như viêm niệu đạo,viêm bàng quang, viêm niệu quản hoặc viêm đài bể thận. Các triệu chứng khác bao gồm: sốt hoặc đau khi đi tiểu, tiểu máu, ngứa bộ phận sinh dục, nước tiểu đục…