Tranh thêu tay truyền thống là một phần trong văn hóa của người Việt. Từ xa xưa, nghề thêu tay đã được ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Chỉ có điều, những nghệ nhân thêu giỏi đang già đi, thế hệ trẻ không đam mê theo đuổi nghề của ông cha để lại. Đây là trăn trở của những người trong nghề và cả những ai yêu mến nghệ thuật thêu truyền thống.
Nỗi lo mai một
Tại Hà Nội, những người yêu mến nghề thêu hẳn đều biết đến Nguyên Bì - làng thêu nổi tiếng xưa kia, giờ đã gần như mất hoàn toàn nghề thêu ren. Hay làng thêu Quất Động giờ đây cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những người thợ còn sót lại. Ngay cả làng thêu Đào Xá - nơi đầu tiên ông Lê Công Hành dạy nghề, giờ chỉ còn một vài người thêu hàng nhỏ lẻ.
Bà Phạm Thị Thoa là người thợ duy nhất vẫn còn thêu ở Nguyên Bì nhưng giờ đã cao tuổi. Trước kia, con gái con rể bà cũng thêu, nhưng giờ cả hai đi làm công nhân, đỡ vất vả hơn thêu nhiều. Cùng làng Nguyên Bì, chị Mai giờ mở quán giải khát nho nhỏ. Từ dạo sinh con, chị cũng bỏ thêu. Cách đây chỉ hơn chục năm, xưởng thêu nhà chị làm không hết việc. Chị học thêu từ nhỏ, cả phương pháp thêu chữ nhân - một cách thêu rất khó - chị cũng giỏi. Nhưng giờ thêu không bằng làm việc khác, gần chục năm không thêu, chị bảo, giờ cầm kim lại có khi thêu không đẹp như trước.
Tranh do các nghệ nhân thêu xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật.
Trường hợp của anh Bùi Lê Thuần (làng Quất Động) cũng không khá hơn, trước kia, anh nổi tiếng với kỹ thuật thêu cả hai mặt. Từ những năm 90 thế kỷ trước, anh và vợ thêu không biết bao nhiêu sản phẩm xuất khẩu. Có dạo trong nhà có hơn chục khung thêu, chục tay thợ làm liên tục. Anh tâm sự: "Hồi đấy một tháng cũng phải 7-8 triệu. Bây giờ có làm thu nhập chỉ khoảng 3-4 triệu. Vừa bị tư thương ép giá, lại buồn vì người ta cứ lẫn lộn hàng xấu hàng đẹp, chẳng muốn làm nữa". Giờ anh gác khung lại, làm thợ sửa chữa điện, thu nhập nhì nhằng nhưng thoải mái. Vợ anh cũng làm trong khu công nghiệp, lương hơn cả thợ thêu lành nghề. Quanh khu nhà anh tầm hai cây số đổ lại, không còn ai thêu nữa. Buồn và tiếc nhưng chẳng biết làm thế nào!
Quyết giữ nghề
Trong lúc du lịch làng nghề chưa được các nhà quản lý triển khai một cách hiệu quả thì thêu truyền thống khó mà... vượt khó. Nói cách khác, giữ nghề thêu còn khó, nói gì mang nghề ra phát triển du lịch. Lúc này, các làng thêu truyền thống rất cần những cá nhân mạnh mẽ và quyết đoán.
Đối với người dân làng Bình Lăng, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội), thêu không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là môn nghệ thuật vô giá. Trải qua những biến thiên của thời gian, làng nghề thêu Bình Lăng vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Có thời điểm cả xã Thắng Lợi với hơn 80% gia đình có nghề, nhưng chỉ còn vỏn vẹn khoảng 30% gia đình còn giữ nghề thêu truyền thống. Đây cũng là những gia đình có những nghệ nhân tâm huyết, họ giữ nghề không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn để phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.
Ở làng Bình Lăng, có lẽ ai cũng biết đến nữ nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào (sinh năm 1976) - người đã có công giữ gìn và phát triển nghề thêu tay truyền thống.
Ngay từ khi còn bé, chị Đào đã yêu nghề thêu, yêu từng đường kim mũi chỉ tạo nên những bức tranh thêu. Năm 2008, chị Đào quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Thêu tay truyền thống Nguyên Đào. Để có một cơ sở phát triển như ngày hôm nay, chị Đào tâm niệm, ngay từ khi học nghề thêu, cha chị dạy rằng làm nghề phải hết sức cẩn trọng, tính toán thật kỹ, lấy uy tín làm đầu và không bao giờ được nản chí. Vì vậy, chị cố gắng để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường, lấy được lòng tin của đối tác bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu. Chị khẳng định, có như vậy thì mới sống được với nghề.
Đối phó với sản phẩm tranh thêu tay không chỉ được người dân trong nước yêu thích mà khách nước ngoài cũng rất quan tâm và ghi nhận những công sức, bàn tay khéo léo của người thợ thêu Việt Nam. Khi đã ngồi vào thêu rồi thì rất mải miết, hăng say không muốn đứng lên làm việc gì khác. Dù được làm bằng tay nhưng những bức tranh rất có hồn, mang tính nghệ thuật cao. Có rất nhiều bức tranh do các nghệ nhân thêu xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật. Chính vì lẽ đó, tranh thêu tay truyền thống là một trong những nghề danh giá và được đánh giá cao trong giới cũng như đời sống xã hội.
Hy vọng rằng, khi các cá nhân, tập thể và các nhà quản lý ý thức được giá trị và tầm quan trọng của nghề thêu tay truyền thống, trong thời gian tới, những bức tranh thêu tay sẽ có cơ hội được bay xa, vươn xa hơn nữa ở thị trường nước ngoài. Có như vậy, đời sống của những người dân làng nghề mới có dịp khấm khá hơn, từ đó họ sẽ yêu nghề hơn. Để từ động lực đó, nghề thêu tay truyền thống được gìn giữ, phát triển và là nét văn hóa thú vị trong đời sống ngày càng văn minh, hiện đại.