“Cả làng tôi hiện có trên 300 nhà nhưng chỉ còn lại hơn chục nhà còn làm gốm thôi. Các cháu nhỏ giờ chẳng biết đến nghề của cha ông nữa”- nghệ nhân Ma Phương, dân tộc Churu (làng Krăng-gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) không khỏi rầu lòng khi nói về thực trạng làng gốm nổi danh một thời Krăng-gọ. Không còn cảnh tấp nập làm gốm, đun lò như trước, làng Krăng-gọ giờ chỉ còn lại thưa thớt vài ba lò gốm, cũng thi thoảng mới thắp lửa. Danh tiếng nghề gốm của người Churu cũng theo đó dần tan đi, chỉ còn trong ký vãng của người già…
Ký ức đã xa
Nhớ lại thời hoàng kim của làng gốm Krăng-gọ nhiều năm về trước, nghệ nhân Ma Phương nói: Trước kia, người dân Krăng-gọ quanh năm gắn bó với nương rẫy, nhưng cứ đến mùa khô là tất cả các gia đình trong buôn đều nổi lửa nung gốm. Phụ nữ thì nhào đất nặn gốm, đàn ông thì kiếm củi đun. Những sản phẩm gốm Krăng-gọ chủ yếu là các vật dụng trong gia đình như bơ lo dùng để nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu, ka rơ là bát ăn cơm và uống rượu, gọ dăm - nồi có kích cỡ trung bình để nấu cơm, abu - nồi đội nước, nồi nấu canh miệng rộng gọ glah, kiềng bếp, lọ hoa... được dân trong vùng và các vùng khác ưa chuộng bởi sự tiện dụng, bền mà giá cả phải chăng. Thời đó, đồ gốm Churu được nhiều đoàn thương gia của Lào, Campuchia mang lúa, ngô, đồ trang sức khác sang đổi về dùng. Cuộc sống của người dân trong làng vì thế cũng khá sung túc, nhiều nhà có của ăn của để nhờ gốm.
Nghệ nhân Ma Phương trình bày cách làm gốm cổ truyền của dân tộc mình. |
Mặc dù chỉ là nghề làm lúc nông nhàn nhưng các gia đình ở Krăng-gọ rất say mê làm gốm. Cả năm bận rộn với công việc đồng áng, ai ai cũng mong chờ được đến lúc thả hồn mình cùng gốm. Thời điểm làm gốm cũng là lúc trong làng rộn rã tiếng cười nói, vui tươi nhất. Tiếng tăm của ngôi làng vì thế cũng gắn liền với gốm. Người Churu chế tác đồ gốm bằng những kỹ thuật hết sức đơn giản, các sản phẩm hoàn toàn được tạo hình bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà không cần dùng đến bàn xoay. Đất sét sau khi được lấy về sẽ phơi khô, giã nhỏ rồi nhào với nước cho mịn. Lúc này, người nghệ nhân mới chính thức bước vào công đoạn tạo hình cho sản phẩm gốm. Một khối đất nhất định sẽ được đặt trên bàn gỗ, người thợ sẽ quay quanh bàn để nặn nên sản phẩm. Các vật dụng như chiếc vòng bằng tre, miếng gỗ nhỏ... sẽ hỗ trợ người thợ để chuốt cho sản phẩm mịn, đẹp. Hoa văn trên sản phẩm gốm Krăng-gọ chủ yếu là các đường thẳng chạy song song, do người thợ dùng đầu thanh tre nhấn vào và kéo dài. Khi đồ gốm đã thành hình sẽ được mang đi phơi khô khoảng 2 nắng rồi dùng quả trám rừng đánh bóng. Lúc sản phẩm đã đạt được độ bóng, mịn ưng ý, người thợ sẽ thổi lửa và đưa sản phẩm vào nung. Người làng Krăng-gọ nung gốm cũng rất đặc biệt, khác hẳn các làng gốm khác phải xây dựng lò nung tiêu chuẩn thì họ nung sản phẩm lộ thiên. Sản phẩm gốm được đặt trên mặt đất, chất củi, rơm xung quanh đốt khoảng vài tiếng đồng hồ là xong, có thể mang đi tiêu thụ.
Và nỗi buồn hiện tại
Không còn sự sôi động, tấp nập của mỗi mùa làm gốm như trước, làng Krăng-gọ giờ tĩnh lặng với những nương trồng rau, trồng đậu... và những công việc làm thêm khác. Lớp trẻ ở Krăng-gọ không có chút ký ức nào về nghề gốm bao đời của cha ông. Cả làng hiện có hơn 300 hộ gia đình, nhưng số vẫn còn lưu luyến với nghề gốm, còn biết và làm gốm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực trạng ấy không khỏi khiến người còn nặng lòng với gốm như nghệ nhân Ma Phương cảm thấy xót xa, tiếc nuối. Cũng chính từ suy nghĩ ấy mà suốt bao năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, của nghề nhưng Ma Phương vẫn quyết gắn bó với nghề gốm.
Những sản phẩm gốm Krăng-gọ. |
Cuộc sống hiện đại với nhiều vật dụng tiện dụng hỗ trợ nên nhiều gia đình không còn thói quen sử dụng đồ gốm trong sinh hoạt. Nhu cầu giảm dần, sản phẩm làm ra không bán được nên người làm gốm cũng phải thu hẹp sản xuất. Nhiều gia đình theo đà đó buộc phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống. Ma Phương bảo, cuộc sống khó khăn nên cũng không thể trách người ta quên cái nghề của cha ông được. Chỉ tiếc cho một nghề truyền thống đã bao đời, nổi danh không ít cũng phải chịu số phận mai một dần. Dù rất cố gắng để duy trì nghề gốm nhưng nghệ nhân Ma Phương cũng không dám chắc được tương lai sẽ ra sao. “Hiện giờ tôi cũng chỉ làm những vật dụng thông thường bằng gốm mà bà con trong làng, trong vùng đặt hàng thôi. Chủ yếu vẫn là những mẫu mã sản phẩm từ bao đời nay. Thi thoảng có làm thêm những sản phẩm khác, có những sản phẩm “cải tiến” bắt chước theo hàng chợ Trung Quốc như lọ hoa, gạt tàn thuốc lá, ấm sắc thuốc... thì vẫn bán được. Nhưng nghề gốm cũng chỉ làm để giữ nghề thôi. Thu nhập một tháng từ gốm được khoảng 1 triệu đồng, còn lại chủ yếu vẫn từ nguồn thu công việc đồng áng. Cũng muốn mở lớp truyền dạy nghề cho các cháu nhỏ nhưng các cháu không muốn học” - nghệ nhân Ma Phương chia sẻ.
Ít có sự cải tiến về mẫu mã sản phẩm, bao năm vẫn chỉ những sản phẩm ấy trong khi đời sống đã thay đổi, nhu cầu đã khác xưa cũng là một trong những nguyên do khiến sản phẩm gốm của nhiều làng nghề, chẳng riêng Krăng-gọ rơi vào tình trạng ế ẩm. Để khắc phục tình trạng này, cũng là tìm đường ra cho gốm Krăng-gọ, năm 2006, chính quyền huyện Đơn Dương đã tổ chức chuyến đi cho các gia đình, còn làm gốm ở Krăng-gọ ra làng gốm Bát Tràng ngoài Bắc học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Cách thức làm gốm của Bát Tràng làm bằng khuôn ra hàng loạt sản phẩm một lúc, trong khi gốm Krăng-gọ làm đơn thuần bằng tay, không thể ra một lúc nhiều sản phẩm được”. Thêm nữa, Bát Tràng có lợi thế trong quảng bá sản phẩm, nhất là qua tour du lịch làng nghề. Còn ở Krăng-gọ, chưa có bất cứ một nguồn đầu tư, hỗ trợ nào để khôi phục làng nghề. Cách đây hơn 2 năm, chính quyền địa phương cũng đã có dự án xây dựng khu du lịch Biển Hồ, với ý tưởng đưa nghệ thuật gốm Krăng-gọ vào giới thiệu tới du khách, nhưng đến nay vẫn chưa thấy khởi động. Người dân Krăng-gọ, những người nặng lòng với gốm chỉ còn biết an ủi nhau cố gắng giữ lấy nghề, chờ đến ngày dự án được hiện thực hóa, may ra tương lai cho làng gốm cũng sáng sủa hơn.
Bài, ảnh: Trịnh Bảo