Khắc khoải đôi mắt mồ côi

13-10-2012 14:44 | Xã hội
google news

Chúng cũng là những đứa trẻ như bao đứa trẻ bình thường khác, với những khuôn mặt thơ dại và cái nhìn hồn nhiên, nhưng lại có số phận đáng buồn bởi cuộc đời gắn với hai chữ “mồ côi”.

(SKDS) - Chúng cũng là những đứa trẻ như bao đứa trẻ bình thường khác, với những khuôn mặt thơ dại và cái nhìn hồn nhiên, nhưng lại có số phận đáng buồn bởi cuộc đời gắn với hai chữ “mồ côi”. Có đứa trẻ vẫn còn người thân, vẫn còn quê hương bản quán, nhưng cũng có nhiều đứa trẻ chẳng bao giờ biết được cha mẹ mình là ai. Ðó là những sinh linh bé bỏng đã bị chính những người thân yêu của mình đành đoạn dứt bỏ... Liệu sau này sẽ có những câu chuyện cổ tích có hậu với cuộc đời của các em không?!...

Nhặt sự sống cho mai sau

Chúng tôi đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam giữa một trưa nắng rát, khi những đứa trẻ ngây thơ còn đang ngon giấc sau bữa ăn trưa. Đến đây mới thấy những hoàn cảnh éo le không dễ tưởng tượng với từng số phận của mỗi đứa trẻ. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Trung tâm, mắt đỏ hoe thổn thức kể: “Có lẽ thương số phận hẩm hiu của chúng nên trời đất cũng ưu ái! Có nhiều cháu bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi, nay phát triển bình thường! Trung tâm cũng chọn những tên hay đặt cho các cháu sơ sinh, mong các cháu có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc sau này...”.
 
Trong những lời kể đứt quãng của bà Hà thấm đẫm nước mắt, có những câu chuyện thật sự cảm động như trường hợp một đứa bé trai bị bỏ rơi tại Trường mẫu giáo Hòa Hương. Khi người dân phát hiện được thì cháu đã quá yếu, lại bị côn trùng và kiến lửa bu khắp người, các bác sĩ đã cấp cứu và tích cực điều trị nhưng chỉ 1 tuần sau cháu không qua khỏi...
 Nhờ các bảo mẫu trong trung tâm chăm sóc, các em đỡ phần thiệt thòi của số phận.

Người “nhặt” được nhiều trẻ bị bỏ rơi nhất có lẽ là anh Lê Hà Y, nhân viên bảo vệ của trung tâm. Anh kể: “Từ khi nhận công việc ở đây, tôi đã không ít lần chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ lại ven đường. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng xe rồ ga ngay cạnh phòng bảo vệ, tôi chạy ra xem thì lại thấy một đứa trẻ quấn trong chiếc khăn, hay chiếc áo lạnh của phụ nữ đang khóc ngằn ngặt ngay cạnh cổng trung tâm! Có lần nghe tiếng đập cổng, bật điện lên thì người ta đã bỏ đi, chỉ còn lại đứa bé khóc oe oe trên tay mình! Nhìn những đứa trẻ mà thương trào nước mắt...”. Mấy năm làm việc tại đây, anh Lê Hà Y không nhớ bao nhiêu lần đôi tay anh đã nâng niu những sinh linh bé bỏng bị bỏ lại chốn này. Anh cho biết thường người ta bỏ lại trẻ sơ sinh khoảng nửa đêm về sáng, đập cửa báo hiệu. Khi người của Trung tâm ra đến nơi thì họ đã bỏ đi mất.

Không chỉ bị bỏ rơi lúc mới sinh, nhiều trẻ bị bỏ rơi lúc đã vài tuổi, không được chăm sóc, bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần. Có cha mẹ, các em sẽ lớn lên trong sự dạy bảo, yêu thương của tình mẫu tử. Đa số trẻ vô thừa nhận, thiếu tình thương gia đình đều chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý khi trưởng thành. Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam là mái ấm của những đứa trẻ từ nhiều địa phương trong tỉnh, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 75 cháu, vào những lúc cao điểm có tới 77 cháu. Ngân sách tỉnh cấp mỗi cháu lớn là 550.000đ/tháng; mỗi trẻ sơ sinh là 620.000đ/tháng, còn các cháu dị tật bẩm sinh chỉ ở mức xấp xỉ 800.000đ mà thôi. Mỗi cháu còn được hỗ trợ mỗi tháng 5.000đ chi phí quà bánh, khám chữa bệnh. Ngoài ra, tiêu chuẩn cả năm của mỗi cháu là 2 bộ quần áo.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam hiện có 18 cháu đang theo học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, và 8 cháu học cấp trung học cơ sở. Nhưng khó khăn hiện nay với các em là kiến thức cơ bản từ mẫu giáo không có nên việc tiếp thu bài rất khó khăn. Giáo viên phải cố gắng vì hoàn cảnh các em đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, ở trung tâm hiện chưa có giáo viên mẫu giáo. Các em đến 6 tuổi thì vào lớp 1, nếu không học mẫu giáo, các em gặp nhiều khó khăn khi vào lớp 1.

Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho các cháu cũng rất khó khăn. Hiện tại với mức hỗ trợ 550.000đ không đủ để đảm bảo đời sống cho các cháu, mặc dù đã được nhiều sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, nhưng không ổn định nên rất khó cân đối. Không những thế, việc thiếu thốn trang thiết bị, phòng ở cũng như các dụng cụ vui chơi cũng làm giảm sự phát triển của trẻ. Bà Nguyễn Thị Hà cho biết hiện nhiều công trình của trung tâm đang xuống cấp nặng nề, trong khi mùa mưa bão sắp tới...

 Cháu Nguyễn Sơn bị bại não nên suốt ngày chỉ nằm một chỗ.

Những mảnh đời vỡ...

Trong căn phòng chăm sóc đặc biệt của 7 đứa trẻ trong tổng số 75 cháu bé mồ côi tàn tật của trung tâm này, mấy đứa bé nằm bất động, ngơ ngác và tội nghiệp. Bà Hà cho biết, ở đây có tới 7 cháu không thể tự đi lại, không thể tự chăm sóc cho bản thân mình được. Như cháu Nguyễn Sơn (6 tuổi) bị bại não, cháu Trần Thị Sen (11 tháng tuổi) bị mù bẩm sinh, cháu Trần Văn Phúc (14 tháng) bị bại não, bị tim bẩm sinh, cháu Trần Thúy Duyên (6 tuổi) bị bại não, hay đặc biệt như cháu Phạm Thị Tố Trinh (7 tuổi) bị bại não, động kinh. Khi thấy có người lạ đến, ánh mắt của cô bé Trinh đưa qua, đưa lại không ngớt.
 
Khi chúng tôi hỏi tên, em chỉ nhoẻn miệng cười rồi lim dim đôi mắt giả vờ chìm vào giấc ngủ. Các cô bảo mẫu cho biết, vì thi thoảng bé Trinh lên cơn có những hành động bất ngờ như tự cắn nát hết tay mình. Thương bé Trinh không làm chủ được hành động, các mẹ đã phải lấy vải bọc tay chân bé Trinh lại cho bé khỏi tự cắn mình. Khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc giờ cơm trưa bắt đầu, nhưng các em vẫn nằm đó không thể tự chăm sóc lấy mình, nên phải trông chờ vào những cô bảo mẫu làm giúp tất cả mọi việc.
 
Giống như Sơn, Trinh, Phúc, Duyên, còn nhiều đứa trẻ khác cũng bị cha mẹ chối bỏ khi phát hiện khúc ruột phát triển không lành lặn. Sức khỏe của bé Duyên rất yếu, hơi thở thường bị dốc ngược. Ăn được vài muỗng em vội nhả ra, rồi quay mặt vào trong góc tường. Cô Võ Thị Hậu (50 tuổi, quê Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) ngậm ngùi cho biết: “Các bé ở đây đều mang trong mình chứng bệnh bẩm sinh, không thể cứu chữa. Cuộc sống của các em chỉ là những tháng ngày đếm lùi nên chúng tôi trân trọng hơn hết thời gian các em ở bên cạnh mình!”.
 
Bên chiếc giường, Trần Thúy Duyên đang ngủ. Thi thoảng, em trở mình với hơi thở nặng nhọc. Như cảm nhận được hơi ấm của các cô bảo mẫu đang gần bên, Duyên khẽ lay đôi mắt. Hai cánh tay, chân của Duyên co quắp lại nên không thể đỡ nổi cái trở người của em. Cô Hậu chồm người nâng lấy tấm lưng của Duyên, đôi bờ vai trơ xương của em lộ ra cùng nét xanh xao của làn da thiếu nắng. Em nằm nghiêng người, miệng khẽ cười khiến chúng tôi không kìm được xúc động. Hỏi gì em cũng lắc đầu, nhưng mỗi khi nghe ai đó nói về mẹ là mắt em sáng lên.

Theo lời cô Hậu, trong số các em đang sống tại trung tâm, có 4 trường hợp bị não úng thủy, 2 em bị bệnh down, số còn lại bị những chứng liên quan đến bại liệt, thần kinh, mù. Do không tự chủ được hành động và cảm xúc nên hầu hết số trẻ này rất bướng và thường hành động theo bản năng bộc phát. Vừa nói, cô Hậu vừa chỉ tay về phía cậu bé tên Lộc (11 tuổi) như để chứng minh lời mình vừa kể. Tuy đã 11 tuổi, nhưng những hành động ngây ngô mà Lộc bộc lộ lại không khác gì đứa trẻ 5 tuổi.

Ngoài nữa, những đứa trẻ mồ côi cũng có nhiều hoàn cảnh rất đặt biệt. Như cô bé tên Hạnh mới tròn 13 tuổi. Hai năm trước, Hạnh được chuyển từ Hội An về đây. Nghe đâu, em cũng được mẹ ruột đến thăm vài lần, nhưng dạo gần đây thì bà mất dạng. Lúc mới về đây, Hạnh khóc suốt và liên tục đòi về. Ở riết em dần quen và chấp nhận một sự thật nghiệt ngã rằng mình đã bị cha mẹ chối từ...

 Cháu Trần Thị Sen bị mù bẩm sinh được chăm sóc đặc biệt.
Cô Hậu chỉ cho tôi thấy mấy đứa trẻ đang túm tụm học bài với nhau bên hiên nhà: “Anh thấy đó, ba đứa trẻ đó là ba chị em ruột, cha mất, mẹ bỏ đi lấy chồng khác bỏ lại bốn chị em cho bà nội đã ngoài bảy mươi. Đứa lớn ở lại chăm sóc bà nội, còn ba đứa trẻ này được gửi vào đây!”. Bên hiên nhà, ba chị em cô bé Phan Thị Kim Thanh  (14 tuổi), Phan Thanh Ngân (12 tuổi), và Phan Thạch Luân (9 tuổi) đang dạy nhau học bài. Cô chị Kim Thanh mới 14 tuổi nhưng đã khá già dặn, luôn miệng bảo ban các em. Khi thấy mấy người từ bên ngoài đi vào thăm trung tâm, Thanh và Ngân thoáng nhìn rồi cúi xuống, cố ngăn những dòng nước mắt đang trực trào ra trên đôi mắt mồ côi.
 
Ba chị em Thanh mới vào đây được hơn 2 năm, Thanh bảo: “Nhiều lúc nhìn các em, nhớ mẹ mà ba chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Các mẹ ở đây thương bọn em lắm, nhưng nhiều lúc thấy cũng tủi thân lắm anh à. Chúng em mồ côi mà!”. Nghe những điều Thanh nói, cả tôi, cả bà Giám đốc Trung tâm và ba chị em đều rơm rớm nước mắt. Phải rồi! Những đứa trẻ này có đứa mất cả cha lẫn mẹ, có đứa còn nhưng chẳng biết được cha mẹ mình là ai. Biết được hoàn cảnh của mình, cả ba chị em luôn tự nhủ phải ngoan, không được làm các mẹ trong trung tâm buồn. Và năm nào mấy chị em cũng đạt học sinh khá giỏi của trường. Điều đó làm các cán bộ nhân viên trong trung tâm hết sức tự hào. Hỏi mấy chị em ước mơ của tương lai, Thanh trả lời mong được làm cô giáo để sau này trở về trung tâm này dạy chữ cho những mảnh đời bất hạnh nơi đây...

Cô Hậu thổn thức cố ngăn dòng nước mắt: “Ở đây không ai dám nhắc đến hoàn cảnh của các em, sợ các em nhận biết được sẽ cảm thấy đau khổ, có những suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập! Nhưng hình như các em cũng cảm nhận được hoàn cảnh của mình nên có những lúc thấy các em ngồi buồn, hay hỏi những câu hỏi mà chúng tôi chẳng biết phải trả lời ra sao!”... còn bà Hà thì buồn buồn: “Nhiều lúc mình rất buồn vì nói hoài mà các cháu không nghe. Nhưng khi nghĩ lại mới thấy tội, đứa trẻ nào cũng bất hạnh, sớm sinh ra đã bị thiểu não và vắng tình thương của cha mẹ nên đâu phát triển giống những trẻ khác được. Thấy các em như thế này mình xót xa lắm. Phần lớn những em này do bệnh tật nên có tuổi đời rất ngắn, nhiều em trong số đó có thể sẽ không có cơ hội nhìn thấy người thân ở phút cuối...”.

Câu nói của bà Giám đốc Trung tâm khiến chúng tôi khắc khoải mãi trên đường về. Bởi chẳng biết ngày nào đó, khi chúng tôi quay lại nơi đây, những cái tên, và cả những số phận mồ côi được nhắc trong bài viết này có còn nữa hay không...  

  Bài, ảnh: Gia Ly


Ý kiến của bạn