Khắc khoải chờ một con đường

19-09-2013 15:28 | Xã hội
google news

Nếu con đường tỉnh lộ 610 nối Trung Phước (Nông Sơn, Quảng Nam) và Duy Xuyên (Quảng Nam) được đầu tư nâng cấp, không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế, mà cả du lịch của địa phương cũng được thúc đẩy.

Nếu con đường tỉnh lộ 610 nối Trung Phước (Nông Sơn, Quảng Nam) và Duy Xuyên (Quảng Nam) được đầu tư nâng cấp, không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế, mà cả du lịch của địa phương cũng được thúc đẩy. Tuy nhiên, con đường này đang dần "chết" sau gần 80 năm sử dụng.

Có một con đường bị quên lãng

Một phần của đường tỉnh lộ 610 nối từ Mỹ Sơn (Duy Xuyên) sang đến Trung Phước (Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) được làm từ thời Pháp thuộc và chỉ được sửa chữa một lần duy nhất vào năm 1977. Từ đó đến nay, con đường này bị bỏ mặc cho thời gian cày xéo. Thời gian trước, đây vẫn là con đường ngắn nhất để đi từ Nông Sơn xuống Duy Xuyên, tới Đà Nẵng và ngược lại trước khi con đường từ ngã ba Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam) nối thông Đèo Le với Trung Phước. Thời gian từ sau giải phóng đến nay, con đường này đã mang lại nhiều điều thuận lợi cho giao thông vùng này nối với miền xuôi. Tuy nhiên, thời gian khoảng hơn chục năm trở lại đây, sự xuống cấp của con đường đã ngày càng trầm trọng, khi những chuyến xe chở than, chở keo liên tục qua lại khiến con đường thực sự là một cực hình đối với những người đi qua đây.

Khắc khoải chờ một con đường 1

Một hộ dân trên đèo Phường Rạnh, điểm khó khăn nhất của con đường này không khỏi bức xúc cho biết: "Mấy chục năm qua con đường được sử dụng nhưng không được bảo dưỡng, tu bổ nên ngày càng xuống cấp. Phần áo đường đã bay hết, chỉ còn lộ những lớp đá hộc trải nền làm từ năm 1977. Những hòn đá to bằng đầu người lổn nhổn trên đường khiến xe cộ qua lại rất khó khăn. Nhiều người đi xe qua đây vào mùa mưa đã không ít lần bị ngã gãy tay, gãy chân. Những ổ voi, ổ gà sâu tới nửa mét, chiếm hết cả phần đường khiến xe máy không thể qua lại nổi. Chỉ có những chiếc xe chở than hay xe chở keo đi qua đây mà thôi!". Việc con đường xuống cấp nghiêm trọng như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nơi đây. Các hộ dân sống bên con đường này chủ yếu là nghèo, họ trồng keo để phát triển kinh tế, nhưng vì đường xá đi lại khó khăn nên nhiều lúc xe không vào được, keo không biết bán cho ai, mà có bán được thì cũng bị tư thương ép giá. Mặc dù con đường này chỉ dài 17km, nhưng muốn vượt qua nó cũng phải mất gần 2 giờ đồng hồ. Chính vì thế nhiều người đã không đi lại con đường này nữa.

Một người dân chia sẻ: "Lũ trẻ đi học vô cùng cực khổ. Còn mỗi khi có ai đó bị bệnh thì chỉ còn biết cáng ra ngoài Trạm y tế xã Duy Thu (Duy Xuyên), hay cõng lên Trung Phước (Quế Trung, Nông Sơn) cấp cứu mà thôi. Bởi xe máy đi đường này thì cứ nhảy dựng lên, chưa kịp đến bệnh viện đã nguy hiểm tới tính mạng rồi. Các loại xe ôtô gầm thấp thì chịu chết không vào được vì những hòn đá lót đường trồi hẳn lên cả gang tay. Giao thông không thuận lợi nên đời sống bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm có sự quan tâm sửa chữa con đường này cho người dân đỡ khổ cực!". Chuyện một cậu bé chăn bò ở làng Trung An phải đi học ở bên Trung Phước qua con đường vất vả này mỗi năm, tôi nhẩm tính cậu bé phải cuốc bộ hơn nghìn km/năm vì không thể đi được bằng xe đạp quả là một con số đáng giật mình. Chúng tôi đi thử trên con đường này, phải mất đúng 2 giờ đồng hồ mới qua được, quần áo lấm lem bẩn thỉu vì bùn lầy, vì đá hộc.

Khắc khoải chờ một con đường 2
 Con đường qua đèo Phường Rạnh với những tảng đá lộ lên và bùn lầy cùng những ổ voi sâu hoắm.

Sửa đường nhận nhiều cái lợi

Không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho người dân nếu con đường này được sửa chữa, tu bổ, mà việc phát triển những tiềm năng của vùng này cũng sẽ được kéo theo. Nhiều người băn khoăn khi biết từ Mỹ Sơn lên Trung Phước với biết bao địa danh du lịch như Làng du lịch sinh thái Đại Bình, địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, thượng nguồn sông Thu Bồn với biết bao điều kỳ thú mà lại bị ngáng trở bởi một con đường "có mà như không" thế này. Nhiều du khách sau khi lên Mỹ Sơn, muốn làm một tour ngắn lên với Đại Bình nhưng lại phải ngược xuống thị trấn Nam Phước, qua Hương An, lên Đông Phú rồi vượt Đèo Le (Quế Sơn) mới lên tới được những địa điểm này với độ dài con đường gấp 4 lần, đấy là một điều bất cập của ngành du lịch.

Huyện Nông Sơn vốn được coi là địa phương có khá nhiều "mỏ vàng" du lịch với những địa danh mới nghe đã thấy thôi thúc lòng người: sông Thu Bồn, Trung Phước, Đại Bường, Tây Viên, Nông Sơn, Hòn Kẽm Đá Dừng... Tuy nhiên, tất cả vẫn như đang chờ được khai phá. Bởi vùng này đang ở trong thế "gần nhà mà xa ngõ" đối với các sản phẩm du lịch liền kề nổi tiếng, những Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn, do cách trở giao thông, mà mấu chốt là con đường qua đèo Phường Rạnh này. Con đèo lượn theo sông, sông bám theo núi, đèo không cao, độ dốc vừa phải, không hiểm trở, nhưng mặt đường lởm chởm những viên đá gồ ghề, đi bộ không mang vác gì cũng đủ mệt nhọc. Đường khá thưa người qua lại. Thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe tải to kềnh lắc lư "bò" qua, hoặc một chiếc xe máy đi ít, đẩy nhiều. Với con đường như thế, để qua được con đèo mất gần hai giờ, người toát mồ hôi, chân cẳng rã rời thì chẳng còn ai muốn đi nữa...

Chỉ cần sửa chữa lại con đường thì du khách có thể cưỡi xe máy thong dong từ Đà Nẵng lên núi Bồ Bồ, đến Đại Lộc, qua bến đò Kiểm Lâm, thẳng hướng thăm Mỹ Sơn, qua đèo Phường Rạnh, rồi đến Trung Phước, Đại Bường, Nông Sơn... mà không phải "lụy" bởi Quốc lộ 1A lúc nào cũng đông đúc, bụi bặm; rồi về ngả lưng nơi làng quê sông nước yên bình và thơ mộng nhất xứ Quảng này, đó chẳng phải là cái lợi hay sao. Hy vọng rằng sắp tới, chính quyền địa phương nơi đây sẽ thấy được những điều này để dành kinh phí sửa chữa hay xây dựng con đường để không chỉ người dân được hưởng lợi, mà kinh tế địa phương cũng có cơ hội phát triển hơn nữa.

Bài, ảnh: Bùi Hữu


Ý kiến của bạn